DMagazine

"Pháo đài" chống trừng phạt của Nga đối phó ra sao trước áp lực phương Tây?

(Dân trí) - Hơn 3 tuần sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, "pháo đài" chống trừng phạt mà Nga chuẩn bị đã bị rung lắc trước biện pháp cô lập của phương Tây, nhưng Moscow vẫn tự tin họ vẫn có thể vượt qua.

"PHÁO ĐÀI" CHỐNG TRỪNG PHẠT CỦA NGA CHỐNG ĐỠ RA SAO TRƯỚC ÁP LỰC CỦA PHƯƠNG TÂY?

Hơn 3 tuần sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, "pháo đài" chống trừng phạt mà Nga dày công chuẩn bị đã bị rung lắc trước biện pháp cô lập của phương Tây, nhưng Moscow vẫn tự tin họ có thể vượt qua.

Các vụ nổ đã xảy ra tại nhiều khu vực ở Ukraine vào sáng sớm ngày 24/2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng. Ông Putin nêu mục tiêu rất rõ ràng là nhằm phi quân sự hóa Ukraine trong bối cảnh quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ có xu hướng ngả về phương Tây, gây ra mối đe dọa an ninh ở cửa ngõ của Nga.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên sau hàng chục năm, chiến sự đã quay trở lại lục địa châu Âu. Nó cũng được xem là cuộc xung đột quy mô lớn nhất ở châu lục này từ Thế chiến II.

Ngay sau khi Nga bắt đầu hành động quân sự, Mỹ, Anh, EU cùng các đồng minh khác trong 3 tuần qua đã tuyên bố các gói trừng phạt mạnh tay chưa từng thấy, nhằm vào khả năng tiếp cận của Moscow với hệ thống tài chính và công nghệ quốc tế.

"Pháo đài" chống trừng phạt rung lắc

Pháo đài chống trừng phạt của Nga đối phó ra sao trước áp lực phương Tây? - 1

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Reuters).

Theo Euro News, Chính phủ Nga trên thực tế đã phải đối mặt với "vũ khí" kinh tế của phương Tây trong hàng chục năm, từ các lệnh hạn chế áp lên Liên Xô cho tới các lệnh hạn chế nhằm vào công nghệ khai thác dầu và tiếp cận thị trường vốn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Giống các đối thủ của Mỹ từ Triều Tiên, Iran, tới Venezuela, Nga coi lệnh trừng phạt từ phương Tây như một "thói quen", theo chuyên gia Chris Miller, người đã nghiên cứu nhiều năm về kinh tế Nga. Nga thậm chí còn nói rằng, kể cả họ không mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây cũng sẽ tìm cách trừng phạt họ. Hầu hết mỗi năm trong suốt thập niên vừa qua, Mỹ đều công bố các gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Nga đã có hàng năm trời chuẩn bị để xây "pháo đài" bảo vệ trước các lệnh trừng phạt.

Từ năm 2014, Nga đã bắt đầu nỗ lực thực hiện 5 chiến lược nhằm củng cố sức mạnh nền kinh tế trước các áp lực bên ngoài. Nga đã xây dựng kho dự trữ ngoại hối đáng kể, bao gồm các đồng tiền chính (euro, bảng Anh, USD, yên và đồng nhân dân tệ) và số vàng trị giá hơn 100 tỷ USD. Những khoản dự trữ này gấp hơn hai lần giá trị hàng hóa mà Nga nhập khẩu trong một năm, được cho là sẽ mang lại cho Nga sự linh hoạt về tài chính trong trường hợp phương Tây cố gắng áp đặt các hạn chế đối với khả năng xuất khẩu hàng hóa và kiếm ngoại tệ từ nước ngoài.

Ngoài ra, Nga hạn chế việc sử dụng đồng USD trong các hoạt động ngoại thương của họ, bằng việc chuyển qua giao thương với Trung Quốc và châu Âu. Kremlin cũng cắt bớt lượng USD trong dự trữ ngoại hối và chọn các đồng khác, ví dụ nhân dân tệ.

Thêm vào đó, Nga cũng phát triển hệ thống thanh toán nội bộ trong bối cảnh bị cắt khỏi hệ thống của phương Tây. Nhiều giao dịch mua ở Nga được thực hiện bằng hệ thống thẻ Visa hoặc Mastercard, vốn phải tuân theo luật trừng phạt của Mỹ. Hầu hết các giao dịch ngân hàng quốc tế đều đi qua trung gian bởi SWIFT, một tổ chức có trụ sở tại Bỉ. Nga đã triển khai hệ thống thanh toán thẻ nội địa, được gọi là Mir và hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo mô hình SWIFT, chuẩn bị cho kịch bản họ bị ngắt khỏi hệ thống tài chính.

Chiến lược thứ tư là tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc - một đối thủ khác của Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng mạnh. Điện Kremlin biết rằng họ có thể thông qua việc làm ăn với Trung Quốc để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cuối cùng, Nga đã tính đến sự phụ thuộc của phương Tây vào năng lượng của Moscow và cho rằng đây có thể là yếu tố khiến đối thủ chùn bước để hạn chế mọi hành động sẵn sàng gây áp lực kinh tế.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Chris Miller, người đã nghiên cứu nhiều năm về kinh tế Nga, dù Moscow đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản họ bị phương Tây áp lệnh trừng phạt, nhưng họ có thể chưa hình dung được phương Tây quyết định mạnh tay tới như vậy.

Theo chuyên gia Angela Stent, cựu quan chức tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, phương Tây dường như đã cạn kiệt lệnh trừng phạt vì các động thái của họ trong vài tuần qua quá nhanh chóng và quyết liệt.

"Về cơ bản, Mỹ đã làm mọi thứ có thể để trừng phạt mọi lĩnh vực của kinh tế Nga và nó sẽ gây ra tác động tàn phá trong thời gian tới. Châu Âu thì phải bỏ qua việc trừng phạt ngành năng lượng Nga vì chưa thể tìm được nguồn cung thay thế. Không còn gì nhiều để trừng phạt Nga nữa", bà Stent nhận định.

Trước mắt, Nga bắt đầu đã cảm thấy những khó khăn. Đồng tiền Nga mất giá, lạm phát gia tăng, tiêu chuẩn sống của người dân bị ảnh hưởng và nhiều nhà máy bắt đầu đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Nga giờ đây đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này vẫn đang tạm "sống sót" trước sức ép chưa từng có tiền lệ từ phương Tây.

"Những thực tế mới sẽ đòi hỏi những thay đổi cơ cấu sâu sắc trong nền kinh tế của chúng ta. Và, tôi sẽ không che giấu điều đó, chúng sẽ không dễ dàng ", ông Putin nói, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ làm gia tăng lạm phát và thất nghiệp.

Nga sẽ chống đỡ ra sao?

Pháo đài chống trừng phạt của Nga đối phó ra sao trước áp lực phương Tây? - 2

Xuất khẩu nhiên liệu là ngành chủ lực trong kinh tế Nga (Ảnh minh họa: EI).

Chuyên gia Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Mỹ, nhận định rằng, các nỗ lực của Mỹ và phương Tây có mục đích nhằm gây áp lực cho Nga, nhưng lại đang chia tách Nga ra khỏi phương Tây. Ông Ritter so sánh rằng, đây có thể là một cuộc "chia tay" dẫn tới việc Nga tách hẳn ra khỏi phương Tây.

Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ làm gì kế tiếp: Tự chủ động "Nga hóa" nền kinh tế hay sẽ tiếp tục xoay trục sang các khu vực mà họ có quan hệ thân thiện để bù đắp lại tổn thương từ việc tách khỏi phương Tây?

Trong những ngày qua, giới chức Nga nhiều lần nói về quyết tâm trở nên tự chủ hơn trong kinh tế và thương mại để không bao giờ có thể đối mặt với tình trạng này nữa.

Tổng thống Putin tự tin dự đoán rằng, Nga sẽ trỗi dậy sau cú "sốc" một cách mạnh mẽ hơn: "Cuối cùng, những điều này sẽ giúp Nga thêm độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng ta".

Nhưng với một quốc gia 146 triệu dân trong nhiều năm qua ngày càng gắn chặt vào nền kinh tế thế giới, việc chuyển đổi đột ngột sang một nền kinh tế tự chủ sẽ rất khó khăn, khốc liệt và ẩn chứa hàng loạt thách thức.

Tiến sĩ Maria Shagina, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan cho biết: "Dư địa để cho Nga cải tổ lại là rất hẹp vì họ đã có mối quan hệ quá chặt chẽ với công nghệ, phần mềm và đầu tư của phương Tây. Kể cả Nga tự cung tự cấp, điều này cũng sẽ trở nên rất hạn chế".

Bà Shagina dự đoán, Nga sẽ tập trung nỗ lực tái cải tổ và "Nga hóa" các ngành chủ chốt, nhưng Nga sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể trỗi dậy trở lại. Hay nói cách khác, Nga không thể chỉ tự dựa vào chính mình.

Kể từ năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, họ đã phải đối mặt với sự cô lập từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, Nga coi đây là cơ hội để thực thi chính sách thay thế nhập khẩu, tạo ra các doanh nghiệp và chuỗi công nghệ mới. Igor Shuvalov, người đứng đầu tập đoàn phát triển nhà nước Nga VEB.RF nói với RT, các lệnh trừng phạt vừa là vũ khí, nhưng cũng là cơ hội để Nga gia tăng "miễn dịch" trước áp lực từ phương Tây.

Tuy nhiên, ông Shuvalov cũng phải thừa nhận, Nga không nên và không thể tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới chỉ để bảo vệ mình trước nguy cơ trong tương lai.

Các chuyên gia nhận định, Nga sẽ buộc phải xoay trục nền kinh tế của họ sang những khu vực thân thiện với họ và cũng sở hữu nhiều tiềm năng, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ - hai thị trường chiếm tới hơn 2,5 tỷ dân.

Gần đây nhất, tập đoàn nhà nước Indian Oil của Ấn Độ đã mua 3 triệu thùng dầu giá rẻ từ Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng, bất chấp cảnh báo từ Mỹ và các nước khác về việc không nhiên liệu Nga.

Ấn Độ, quốc gia có quan hệ thân thiết với Mỹ, nhưng cũng là một nước duy trì sự tự chủ chiến lược. Giá dầu tăng cao sau lệnh trừng phạt dầu Nga của Mỹ đã đặt gánh nặng lớn lên Ấn Độ, quốc gia phải nhập 85% lượng dầu mỏ về để tiêu thụ. Nhu cầu của Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng khi nền kinh tế của họ đang bật trở lại sau đại dịch Covid-19.

Thêm vào đó, bản thân Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nga chỉ sau cả khối EU gộp lại và trước khi chiến dịch quân sự ngày 24/2 diễn ra, Bắc Kinh cùng Moscow đã thống nhất về việc hợp tác "không giới hạn".

Đây chỉ là một vài ví dụ về việc Nga có thể xoay xở trước khó khăn và tìm kiếm các đối tác ít rủi ro với họ hơn ở châu Á, châu Phi, Trung Đông. Ngoài bán dầu mỏ và khí đốt, Nga có thế mạnh lớn về công nghiệp vũ khí và nhiều ngành khác như nông nghiệp, phân bón. Đây là lý do khiến Nga vẫn tự tin có thể vượt qua khó khăn trong tương lai. 

Pháo đài chống trừng phạt của Nga đối phó ra sao trước áp lực phương Tây? - 3

Nga vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Chris Devonshire-Ellis nhận định: "Thương mại tổng thể của Nga với toàn châu Á đã đạt mức tương đương với thương mại của EU vào năm ngoái và Moscow đang bận rộn chuẩn bị cho một cuộc xoay trục quy mô lớn về phía Đông".

Hiện Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu vẫn đang nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều nền kinh tế châu Á khác. Từ năm 2011-2019, thương mại giữa Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN đều tăng mạnh từ 40-80%, trong khi vào cùng kỳ hoạt động thương mại giữa Nga và châu Âu giảm 17%.  

Nga bắt tay chặt hơn với Trung Quốc?

Pháo đài chống trừng phạt của Nga đối phó ra sao trước áp lực phương Tây? - 4

Gỗ nhập khẩu từ Nga chờ được bốc dỡ ở tỉnh Hắc Long Giang, phía đông nam Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Mặt khác, chuyên gia Scott Ritter cảnh báo rằng, việc phương Tây có các biện pháp quá cứng rắn để cô lập Nga có thể dẫn đến một viễn cảnh gây "đau đầu" khác cho phương Tây.

Ông Ritter cho rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ đã quyết định từ bỏ cách tiếp cận "giữ bạn của bạn ở gần, nhưng giữ đối thủ của bạn ở gần hơn". Việc gắn các quyền lợi của đối thủ vào quyền lợi của phương Tây có thể tạo ra tính răn đe nhất định khi đối thủ có bất cứ hành động nào. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của chính quyền Nga với Ukraine, phương Tây dường như đã chọn cách ngược lại nhằm cô lập để gây tổn thương cho Nga.

Theo tổ chức Energy Intelligence, điều này có thể dẫn tới một viễn cảnh, Nga xích lại gần Trung Quốc và họ có thể tạo ra một trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự mà Mỹ đã lãnh đạo nhiều năm qua. Bản thân Nga và Trung Quốc trong những năm qua đã tăng cường các biện pháp nhằm phi đô la hóa khi giao thương với nhau để giảm bớt tổn thương từ lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh. Theo chuyên gia Ritter, điều này có thể sẽ tác động ngược trở lại Mỹ và phương Tây trong tương lai gần.

Dù Nga đang có xu hướng xoay trục sang châu Á, nhưng chuyên gia phân tích chính trị Richard Heydarian tại đại học Bách khoa Philippines nói với SCMP rằng, nhiều nước châu Á có thể chưa sẵn sàng để đàm phán hiệp ước thương mại tự do (FTA) với Nga.

Điều có thể ngăn trở các nước châu Á đẩy mạnh làm ăn với Nga chính là việc họ lo ngại có thể bị liên đới với lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga. Tầm ảnh hưởng của phương Tây ở châu Á vẫn nhỉnh hơn Nga, và điều này có thể ảnh hưởng tới kế hoạch hướng về phương Đông của Moscow.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Jayant Menon, người từng làm việc cho Ngân hàng Phát triển châu Á, chuỗi cung ứng của châu Á hiện đang gắn kết với Trung Quốc, nên giao thương với Nga dường như sẽ phải qua trung gian Trung Quốc. "Giao dịch giữa Nga và thị trường châu Á vẫn sẽ được duy trì cho tới khi nào Trung Quốc để mở cánh cửa thương mại với Nga", ông Menon nhận định.

Mặc dù vậy, cách tiếp cận này vẫn có rủi ro nhất định, vì Trung Quốc cũng chịu áp lực từ phương Tây liên quan tới cách mà Bắc Kinh phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga.

Dù Trung Quốc và Nga chia sẻ lợi ích chung trong cuộc đối đầu với phương Tây, nhưng các tổ chức tài chính của Bắc Kinh không thể để mất khả năng tiếp cận đồng USD. Trong khi đó, nhiều ngành chủ chốt của Trung Quốc không thể vận hành mà thiếu công nghệ của Mỹ và phương Tây.

Ngoài việc duy trì quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng phải đảm bảo họ không bị kéo vào căng thẳng giữa Moscow và phương Tây, và điều này được xem có thể khiến Bắc Kinh sẽ không xích lại quá gần Nga trong thời gian tới để tránh nguy cơ bị trừng phạt. 

Đức Hoàng

Theo Euro News, RT, SCMP, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine