10 "lá chắn" giúp Nga đứng vững trước "bão" trừng phạt của phương Tây
(Dân trí) - Nga đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm giúp nước này đứng vững trước "bão" trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; bãi bỏ quy chế "tối huệ quốc"…
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga và "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".
Để đứng vững trước "bão" trừng phạt của Mỹ và đồng minh, Nga đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau.
Hệ thống thanh toán quốc gia Mir thay thế SWIFT
Các ngân hàng lớn của Nga đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT, khiến các ngân hàng này không thể tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Nga hiện có thể chấp nhận thanh toán điện tử qua Mir, hệ thống thanh toán thay thế của Nga, và làm việc với các ngân hàng cũng như doanh nghiệp nước ngoài, vượt qua các hạn chế của phương Tây.
Mir cũng cung cấp một giải pháp thay thế cho Visa và MasterCard khi các mạng lưới này ngừng cung cấp dịch vụ giao dịch quốc tế cho khách hàng Nga.
Giao dịch thương mại bằng nội tệ và các điểm xuất khẩu mới
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng nhắm vào các khoản dự trữ bằng Euro và USD của Nga nhằm ngăn chặn khả năng thương mại quốc tế của Moscow. Tuy nhiên, Nga đang thiết lập các cơ chế thương mại để cho phép thanh toán bằng đồng nội tệ (rúp) với các đối tác thương mại nước ngoài. Nga và Trung Quốc đã có cơ chế thanh toán bằng đồng rúp - nhân dân tệ được một thời gian và đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự sẵn sàng trong việc giao dịch bằng đồng rúp.
Ngoài ra, một kế hoạch giao dịch đồng rúp - rupee đã được áp dụng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ. Ấn Độ, quốc gia cho đến nay chỉ mua 3% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, đang tăng cường mua dầu, trong khi Serbia cũng có động thái tương tự. Đây là dấu hiệu cho thấy Nga có những lựa chọn thay thế cho hàng xuất khẩu nếu phương Tây tiếp tục cô lập Moscow.
Các doanh nghiệp được lệnh bán USD
Để hỗ trợ đồng rúp sau khi đồng tiền này bị giảm giá mạnh so với các đồng tiền chính trong tháng này, các doanh nghiệp Nga giao dịch ở nước ngoài đã được lệnh bán 80% nguồn thu ngoại tệ của họ và chuyển chúng sang đồng rúp. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định đồng nội tệ và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Nga thay vì chuyển chúng ra nước ngoài.
Lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc để đảm bảo nguồn cung trong nước
Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) trong tuần này. Các hạn chế xuất khẩu bao gồm việc chuyển hàng đến các quốc gia hậu Xô Viết có chung khu vực hải quan tự do với Nga bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Biện pháp này nhằm giúp duy trì tốt thị trường lương thực trong nước và không để giá tăng cao.
Tăng lãi suất để hỗ trợ nội tệ
Với gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng và không thể hỗ trợ đồng rúp đang mất giá, Ngân hàng Trung ương Nga đã khẩn cấp nâng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 2 từ 9,5% lên mức kỷ lục 20% mỗi năm.
Biện pháp này được thực hiện để hạn chế rủi ro mất giá và lạm phát gia tăng, hoặc đơn giản là để giúp duy trì sự ổn định giá cả và bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân khỏi bị mất giá.
Cơ quan quản lý cũng đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các tổ chức tín dụng và khuyến nghị các ngân hàng không tính lãi và tiền phạt đối với các khoản vay, cũng như cho phép cơ cấu lại các khoản thanh toán và tạm hoãn trả nợ. Các động thái này đã giúp ổn định đồng rúp, sau khi Nga ghi nhận 6 ngày liên tiếp đồng rúp tăng giá so với đồng Euro và USD, tính đến ngày 17/3.
Thanh toán nợ bằng đồng rúp để tránh vỡ nợ
Nga đã ủy quyền 2 khoản thanh toán cho các trái chủ (tổ chức, cá nhân cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu) với tổng trị giá 117 triệu USD, đến hạn vào ngày 16/3, bằng USD. Số tiền này lấy từ các tài khoản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài. Hiện việc chấp thuận thanh toán tùy thuộc vào Mỹ và các đồng minh. Nếu các nước này không chuyển tiền, chính phủ Nga sẽ lệnh thanh toán khoản nợ trên bằng đồng rúp theo tỷ giá hối đoái chính thức của ngân hàng trung ương Nga tại thời điểm giao dịch.
Các tổ chức có trụ sở tại phương Tây nhấn mạnh rằng, nếu khoản nợ không được trả bằng đồng tiền phát hành, Nga sẽ phải đối mặt với vụ vỡ nợ đầu tiên trong một thế kỷ. Moscow cáo buộc phương Tây đang cố gắng tạo ra "một vụ vỡ nợ nhân tạo", vì Nga có tiền để trả các khoản nợ nhưng họ bị từ chối tiếp cận.
Hỗ trợ người dân
Hôm 16/3, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp mới để hỗ trợ công dân Nga trong bối cảnh giá cả tăng, tỷ lệ thất nghiệp và các vấn đề nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Các biện pháp sẽ tập trung vào việc bảo vệ các gia đình có trẻ em và người già. Ông Putin cho biết quyết định tăng lương tối thiểu, lương trong khu vực công và các phúc lợi xã hội, bao gồm lương hưu, sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp
Chính phủ Nga cũng thông qua dự thảo kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền địa phương đã được hướng dẫn để cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể các biện pháp hỗ trợ, bao gồm trợ cấp và tín dụng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa
Tổng thống Putin đã kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu của Nga không giảm sản lượng để đối phó với các lệnh trừng phạt, thay vào đó cung cấp cho thị trường nội địa. Điều này sẽ giúp kiểm soát giá cả trong nước không tăng cao, bao gồm xăng, dầu diesel, kim loại và các mặt hàng xuất khẩu khác.
Giữ chân doanh nghiệp nước ngoài ở lại Nga
Đối mặt với sức ép trừng phạt, một số công ty nước ngoài trong tháng này đã tuyên bố tạm thời rút khỏi Nga, bao gồm IKEA, Microsoft, Volkswagen, Apple, Shell, McDonald's, H&M và các công ty khác.
Nga đã đưa ra các đề xuất để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp này, bao gồm việc quốc hữu hóa. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm 16/3, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tôn trọng quyền sở hữu tư nhân của các công ty nước ngoài. Trước đó, ông đã lên tiếng ủng hộ một ý tưởng khác là ủy quyền quản lý từ bên ngoài, cho phép các đối tác ở Nga điều hành các công ty nước ngoài. Bộ Kinh tế Nga đang xây dựng một dự luật để điều chỉnh thủ tục.