Ông Trump sẽ là Tổng thống Mỹ bản lĩnh và quyền lực nhất thời bình?
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump khởi đầu việc trở lại Nhà Trắng với bài diễn văn lạc quan, tham vọng và đầy khí thế hướng về tương lai - "4 năm vĩ đại nhất của nước Mỹ và là mở đầu cho một kỷ nguyên vàng".
Có thể nói lễ nhậm chức của Tổng thống Trump đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Mỹ, thể hiện khá đầy đủ những thay đổi sâu sắc trong xã hội nước này. Sự kiện cho thấy tư tưởng dân túy cánh hữu đang thắng thế trong một bộ phận lớn cử tri Mỹ, cũng như trên toàn cầu khi đang có nhiều chuyển động hướng tới một trật tự thế giới mới.
Chương trình nghị sự tham vọng chưa từng có
Chủ trương MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) xuyên suốt của ông Trump từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên cách đây 8 năm lần này tiếp tục được thể hiện rất đậm nét trong phát biểu nhậm chức lần thứ hai. Cụ thể, tân Tổng thống Trump đã đưa ra một chương trình nghị sự mạnh bạo và tham vọng chưa từng có khi tuyên bố:
"Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của 4 năm vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ. Sức mạnh của chúng ta sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh và mang lại tinh thần đoàn kết mới cho một thế giới vốn đã tức giận, bạo lực và hoàn toàn không thể đoán trước. Nước Mỹ sẽ lại được tôn trọng và ngưỡng mộ, bao gồm cả những người có tôn giáo, đức tin và thiện chí. Chúng ta sẽ thịnh vượng. Chúng ta sẽ tự hào…".
Ông Trump khó có thể tự tin tuyên bố quyết đoán như trên nếu như ở trong nước không giành được thắng lợi hết sức thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/11/2024, đảng Cộng hòa không chiếm được đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện và uy tín cá nhân từ đó đến nay liên tục lên cao. Sau đó, về mặt quốc tế, dù ông Trump chưa chính thức nhậm chức đã được cả thế giới quan tâm, và dinh thự riêng ở Mar-a-Lago, bang Florida thực sự trở thành "Nhà Trắng thứ hai" trong khi Tổng thống Biden vẫn là ông chủ Nhà Trắng ở Washingtion DC. Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã góp công đưa đến thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas, giúp đưa được những con tin Israel đầu tiên về nước kể từ sau cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10/2023.
Theo đánh giá của kênh Channel News Asia, ông Trump trở lại Nhà Trắng lần này với tư cách là một trong những tổng thống quyền lực nhất trong lịch sử Mỹ trong thời bình, thống trị cả Washington và các vấn đề quốc tế. Tổng thống Trump đã có quyền tiếp cận mọi quyền lực mà những người tiền nhiệm của ông mở rộng (và trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã thử nghiệm những giới hạn đó) và dự kiến trong nhiệm kỳ mới này, ông sẽ tiếp tục mở rộng quyền lực vượt các chuẩn mực hiện có. Điều đó sẽ giúp Tổng thống Trump có quyền tự do rất lớn trong việc ra quyết định, mặc dù hệ thống "cân bằng và kiểm soát" ở Mỹ vẫn hoạt động để kiểm soát và ngăn chặn những quyết định/hành hiến pháp ngăn cấm.
Ngoài ra, cũng không thể không kể đến việc các công ty công nghệ hàng đầu (big tech), đứng đầu là tỷ phú Elon Musk và giới công nghệ ở Thung lũng Silicon, cũng như giới truyền thông trong nước (nhiều tờ báo như Washington Post, LA Times và ABC News… vừa qua đều nhượng bộ ông Trump) không chỉ thôi chống đối mà đã quay sang nhiệt thành ủng hộ, đồng hành cùng ông Trump trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình nghị sự cụ thể thực hiện mục tiêu cuối cùng là MAGA.
Những thách thức mới đối với thế giới
Từ chủ trương "nước Mỹ trên hết" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" đến những gì đã nêu trong diễn văn nhậm chức, có thể thấy chính quyền của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ này (Trump 2.0) tỏ rõ quyết tâm đặt vấn đề an ninh và sự phồn vinh của nước Mỹ lên thành ưu tiên quốc gia cao nhất và bằng mọi giá. Với cách làm của ông Trump, Mỹ càng nỗ lực đạt được điều này nhanh chóng và mạnh mẽ bao nhiêu, thách thức đối với thế giới, kể cả với các đồng minh phương Tây, càng lớn bấy nhiêu.
Trước hết, việc thời gian qua ông Trump nhiều lần nhắc đến nhu cầu "mua lại" đảo băng Greenland ở Bắc Cực của Đan Mạch và thu hồi quyền kiểm soát Kênh đào Panama có thể cả bằng biện pháp quân sự để bảo đảm an ninh quốc gia, được cho là thực chất nhằm đối phó hai đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay là Trung Quốc và Nga.
Tiếp theo, việc tại lễ nhậm chức, Tổng thống Trump nhấn mạnh nước Mỹ "sẽ không còn là quốc gia sẵn sàng chi tiêu để bảo vệ biên giới nước ngoài"; tuyên bố sẽ lại rút lui khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô truyền thống của Mỹ; và đề ra việc lập ra một cơ quan thuế quan mới lo việc tận thu các loại thuế và nhắc lại việc áp thuế như là một công cụ hoạt động để đối phó với các nước Mỹ có vấn đề phải giải quyết... đặt ra những thách thức lớn chưa từng có cho cả đối thủ và đối tác, đồng minh của Mỹ.
Thực tế là tất cả những điều trên đã gây ra những bất an không nhỏ ở cả các nước đồng minh về nguy cơ chính quyền "Trump 2.0 sẽ kết thúc "Kỷ nguyên Mỹ bảo vệ thế giới tự do" như một số tờ báo và tạp chí lớn ở Tây Âu gần đây đồng loạt lên tiếng cảnh báo. Đặc biệt, tạp chí Economist của Anh đã nhận định: "Ông Donald Trump sẽ thay đổi 80 năm chính sách đối ngoại của Mỹ".
Còn báo Người quan sát mới của Pháp bình luận rằng trái với chủ trương cô lập trước đây khi đưa ra khẩu hiệu MAGA, chính quyền Trump 2.0 "dường như đang quay lại với ý định mở rộng hồi đầu thế kỷ 19". Đây là thách thức lớn với đồng đồng minh Tây Âu bởi trong nhiều thập niên qua, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn nhấn mạnh quyền lực của Mỹ luôn đi kèm với trách nhiệm là người bảo vệ không thể thiếu vắng của một thế giới ổn định, hòa bình nhờ vào dân chủ, các biên giới đã được xác lập và những giá trị phổ quát, nhưng nay người ta đang thấy ông Trump sẵn sàng điều chỉnh những giá trị này để tập trung cho MAGA.
Bên cạnh đó, một phần quan trọng ở Thung lũng Silicon đã đánh đổi sự ủng hộ cho ông Trump để giành quyền áp đặt công nghệ của mình cho toàn thế giới khiến các nước EU cũng không thấy thoải mái. Thực tế là những "người khổng lồ" công nghệ muốn tránh mọi sự quản lý về trí thông minh nhân tạo, tham gia đường lối độc quyền của ông Trump. Có tờ báo đã dẫn ra là chỉ cần nghĩ đến hậu quả tai hại của việc kết thúc kiểm duyệt các mạng xã hội của Meta mà Mark Zuckerberg quyết định để đầu quân về phía Trump.
Trong bối cảnh như vậy, trên thế giới gần đây người ta ngày càng nói nhiều tới việc cần đổi mới tư duy để thích ứng với chính quyền Trump 2.0. Theo hướng này, chính phủ và doanh nghiệp các nước sẽ cần phải điều chỉnh cho phù hợp theo cách làm của ông Trump, vì ông sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự thậm chí còn quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên - chương trình mà ông dù gặp nhiều thách thức nhưng cuối cùng cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể như về nhập cư, thuế, cùng nhiều vấn đề khác.
Cơ hội mới cho hòa bình
Việc ông Trump nhiều lần thể hiện quyết tâm mua đảo Greenland, kênh đào Panama và tham vọng đưa Canada thành bang thứ 51 của Mỹ… đã gây lo ngại lớn đối với các bên liên quan và đặt ra những vấn đề mới chưa từng có về cả thực tiễn lẫn luật pháp quốc tế, khi một nước lớn trong thế kỷ 21 lại áp dụng những tham vọng mở rộng lãnh thổ như trong thế kỷ 19 trở về trước. Mặc dù vậy, chính quyền Trump 2.0 như những gì ông Trump đã phát biểu tại lễ nhậm chức cũng như tất cả những điều ông tuyên bố từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, cũng mở ra những cơ hội mới cho hòa bình.
Trước hết, đó là việc có thể (tạm thời) gạt bỏ nguy cơ bùng phát Chiến tranh Thế giới III như chính ông Trump đã tuyên bố là sẽ ngăn chặn được, trong khi cho đến cách đây không lâu cả phía Nga lẫn NATO đều cảnh báo đó là một khả năng đang nhanh chóng trở thành hiện thực nếu cuộc chiến ở Ukraine không sớm kết thúc. Cùng với đó, việc ông Trump tuyên bố sẵn sàng sớm gặp Tổng thống Nga Vladmir Putin để bàn giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine và ngăn chặn việc quan hệ hai nước tiếp tục trượt dài cũng là những tín hiệu tích cực không chỉ cho quan hệ Mỹ - Nga mà còn cho cả việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của châu Âu và trên toàn thế giới.
Với tuyên bố trong lễ nhậm chức là sẽ "chấm dứt mọi cuộc chiến tranh", việc ông Trump từ chỗ cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine "trong vòng 24 giờ" đến điều chỉnh lến "trong vòng 6 tháng", rồi trong phát biểu nhậm chức hầu như không nhắc gì thêm đến cuộc chiến này nên được hiểu là chính quyền Trump 2.0 đã nghiêm túc hơn trong việc thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như cuộc đối đầu căng thẳng, phức tạp kéo dài hiện nay giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
Về vấn đề Trung Đông, việc đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump trực tiếp kịp thời vào cuộc thúc đẩy thành công thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas vừa qua là một khởi đầu tốt để nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 tiếp tục đóng vai trò tích cực, năng động hơn trong việc chấm dứt xung đột trên toàn khu vực Trung Đông nói chung và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine trên cơ sở hai Nhà nước với đường biên giới năm 1949 nói riêng.
Tại khu vực châu Á, dù căng thẳng do cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ với Trung Quốc dự kiến còn tiếp diễn phức tạp khó lường, ông Trump đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong số rất ít, trong khi các nhà lãnh đạo các nước đồng minh quan trọng ở châu Âu không được mời, đến dự lễ nhậm chức và Trung Quốc cử Phó Chủ tịch nước đi dự thay. Điều đó cho thấy vẫn có hy vọng bên cạnh cạnh tranh quyết liệt, bên cuối cùng có thể vẫn tìm ra được tiếng nói chung, tránh được không chỉ nguy cơ nổ ra xung đột nóng ở Đài Loan mà còn cả chiến tranh thương mại trực tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, những chỉ dẫn về việc sớm có cuộc họp cấp cao của Nhóm QUAQ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) cho thấy chính quyền Trump 2.0 vẫn quan tâm thích đáng đến duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này.
Lễ nhậm chức lần thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc trọn vẹn. Ngày mà cả thế giới quan tâm dõi theo đã trôi qua không có bất ngờ lớn nào xuất hiện. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của một thời kỳ mới.
Nước Mỹ dưới chính quyền Trump 2.0 có thực sự sẽ là một "kỷ nguyên vàng" như ông tuyên bố hay không thì còn phải chờ xem. Còn với thế giới, 4 năm tới chắc chắn sẽ là một thời kỳ đầy biến động với những diễn biến khó đoán định. Mọi thứ đều có thể căng lên nhưng cũng có thể mọi thứ sẽ dần lắng dịu và tốt lên. Cùng hy vọng cho thế giới hôm nay có nhiều cơ sở thiết thực để ngày mai thế giới sẽ có hòa bình bền vững và một trật tự mới đa cực công bằng và tốt đẹp hơn cho tất cả.