"Nước cờ" phản công của Ukraine trước thách thức bủa vây trên chiến trường
(Dân trí) - Ukraine có những lợi thế nhưng cũng gặp không ít khó khăn trên chiến trường khi quyết định mở chiến dịch phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga và giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.
Ngày 11/5, trong cuộc phỏng vấn với BBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev cần thêm thời gian để phát động chiến dịch phản công chống lại Nga. Ông nói rằng nếu phản công ngay bây giờ, Ukraine có thể mất rất nhiều quân và đó là điều "không thể chấp nhận được".
2 ngày sau đó, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Italy, Tổng thống Zelensky cho biết ông không thể tiết lộ khi nào sẽ phản công, nhưng thừa nhận Ukraine đang chuẩn bị "rất nghiêm túc" cho chiến dịch này.
Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi liệu chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine đã bắt đầu chưa, vì nhiều thông tin về cuộc phản công này chưa được tiết lộ và các bên cũng đưa ra những thông tin không đồng nhất.
Evgeny Poddubny, phóng viên chiến trường Nga, tối 11/5 đưa tin, các lực lượng Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở phía tây bắc thành phố Bakhmut thuộc vùng Donbass. Ngoài ra, lực lượng Ukraine sử dụng xe tăng để tấn công quân Nga ở thành phố Soledar, đông bắc Bakhmut.
Tại Zaporizhia ở miền Nam, Ukraine dường như đã tấn công các vị trí của Nga gần thành phố Guliay-Pole. Ông Poddubny tin rằng đó là khởi đầu cho chiến dịch phản công mùa xuân được dự đoán từ lâu của Kiev.
Trong khi đó, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner - lực lượng then chốt hỗ trợ Nga tại mặt trận Bakhmut - cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine đã bắt đầu ở Bakhmut. Ông thừa nhận, tình hình của Wagner ở các sườn Bakhmut rất khó khăn, căng thẳng.
Theo ông Andriy Biletsky, chỉ huy Lữ đoàn tấn công số 3 của Ukraine, quân đội Ukraine khiến các đơn vị của Lữ đoàn súng trường số 72 của Nga bị đẩy lùi và hai đại đội của lữ đoàn này bị "phá hủy hoàn toàn". Tuyên bố này khá tương đồng với thông tin do lãnh đạo Wagner cung cấp, rằng Lữ đoàn súng trường cơ giới số 72 của Nga đã rút binh sĩ và thiết bị khỏi Bakhmut - mặt trận giao tranh khốc liệt nhất hiện nay ở Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/5 khẳng định, thông tin trên một số kênh Telegram rằng phòng tuyến của Nga bị chọc thủng ở một số nơi là "không chính xác". Theo quân đội Nga, lực lượng không quân và pháo binh của nước này tiếp tục tấn công vào lãnh thổ còn lại ở Bakhmut vẫn do Ukraine kiểm soát.
Mặc dù Ukraine chia sẻ rất ít chi tiết về kế hoạch tác chiến của nước này với các quan chức Mỹ, nhưng cuộc phản công này có khả năng diễn ra ở phía nam Ukraine, bao gồm khu vực dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.
"Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này. Mọi người đều hy vọng, có thể tình hình sẽ lạc quan, nhưng cuộc phản công sẽ quyết định liệu có một kết quả tốt đẹp cho Ukraine hay không trong việc khôi phục lãnh thổ trên chiến trường và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn nhiều cho Kiev để đạt được một số giải pháp đàm phán", Alexander Vershbow, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là quan chức cấp cao của NATO, nhận định.
Trong khi các quan chức Ukraine cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và tạo ra sự sụp đổ trên diện rộng của quân đội Nga, các quan chức Mỹ đánh giá rằng cuộc phản công khó có thể dẫn đến một bước ngoặt có lợi cho Ukraine.
Thách thức bủa vây Ukraine
Quân đội Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức và kịch bản bế tắc vẫn có thể xảy ra. Giao tranh ở Bakhmut trong mùa đông này đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và dẫn đến thương vong nặng nề ở một số đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine.
Những câu hỏi lớn về pháo binh Ukraine và các nguồn cung cấp đạn dược vẫn chưa có lời giải. Nguồn cung tên lửa phòng không và đạn pháo của Kiev, một yếu tố rất quan trọng để duy trì bất kỳ cuộc tấn công nào cũng như để chống lại các cuộc tấn công trên không của Nga, có thể cạn kiệt một cách nguy hiểm nếu các lực lượng Ukraine tiếp tục sử dụng đạn dược với tốc độ hiện tại.
Các chuyên gia dự đoán sau khi cuộc phản công kết thúc, rất ít khả năng phương Tây có thể tiếp tục viện trợ đạn dược cho Ukraine để Kiev tiến hành các cuộc tấn công sau đó, vì các đồng minh phương Tây không có đủ nguồn cung trong kho dự trữ hiện có và sản xuất trong nước sẽ không thể để lấp đầy khoảng trống cho đến năm sau.
Theo New York Times, các đơn vị của Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày khi họ cố gắng giữ Bakhmut. Các quan chức Mỹ và châu Âu đánh giá tốc độ sử dụng đạn pháo như vậy là không bền vững và có thể gây nguy hiểm cho cuộc tấn công sắp tới. Tốc độ dùng đạn pháo của Ukraine nguy hiểm đến mức Lầu Năm Góc đã bày tỏ lo ngại với các quan chức ở Kiev, cảnh báo rằng Ukraine đang lãng phí đạn dược vào thời điểm quan trọng.
Mặc dù các lực lượng Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công phía sau chiến tuyến của Nga, nhưng họ không được cung cấp tên lửa có tầm bắn đủ xa để tấn công các trung tâm hậu cần của Nga, trong khi đây là chiến thuật đã được chứng minh là hiệu quả trong các cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái ở Kharkov và Kherson.
Nếu cuộc phản công của Ukraine nhằm tạo đột phá trên tiền tuyến, ngoài việc chuẩn bị lực lượng dự bị cho trận chiến, Ukraine sẽ cần những loại vũ khí có độ chính xác cao.
Quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng các hệ thống rocket tầm xa như M142 HIMARS do Mỹ cung cấp. Kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, Kiev chỉ sử dụng các hệ thống này từ sâu bên trong lãnh thổ. Tuy nhiên, để tạo bước ngoặt và xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga, các hệ thống như M142 HIMARS phải được di chuyển đến gần mặt trận hơn.
Trong khi đó, số lượng bệ phóng HIMARS hiện có của Ukraine (khoảng 35 hệ thống) có thể không đủ cho một cuộc phản công dọc theo toàn bộ chiến tuyến trải dài 1.000km. Các hệ thống có thể sẽ chỉ được tập trung theo một hoặc hai hướng, khiến chúng dễ dàng bị phát hiện và tiêu diệt hơn.
Hơn nữa, Ukraine chỉ có nguồn cung tên lửa hạn chế cho hầu hết các hệ thống vũ khí do phương Tây viện trợ như HIMARS, đồng nghĩa với việc tốc độ sử dụng chúng sẽ bị giới hạn. Ngoài ra, những hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong các cuộc xung đột cường độ cao.
Theo hãng tin RT (Nga), Ukraine ước tính mất 12-36 giờ để chuẩn bị các đội hình quân sự quan trọng nhất trước cuộc tấn công chính. Trong điều kiện hiện tại, Ukraine gần như không thể tích lũy đủ nhiên liệu và đạn dược, chưa kể những khó khăn trong việc tìm cách định vị lực lượng Nga.
Trong khi đó, Nga từng sử dụng máy bay không người lái Lancet để tấn công hệ thống tên lửa phòng không Gepard của Đức và hệ thống tên lửa S-300 ở gần tiền tuyến. Ngay cả các thiết bị được Ukraine bí mật di chuyển đến gần tiền tuyến cũng dễ dàng trở thành mục tiêu bị Nga phá hủy.
Điều này chứng tỏ rằng các tuyến đường được Ukraine sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự và những nơi đặt thiết bị này đều nằm dưới sự giám sát của Nga. Nếu Ukraine mất một lượng đáng kể nhiên liệu, hoặc thiết bị vận chuyển hay đơn vị kỹ thuật, chỉ trong 2 hoặc 3 ngày đầu tiên, các lực lượng Ukraine sẽ phải điều chỉnh chiến lược phản công khi đang di chuyển hoặc thực hiện kế hoạch dự phòng.
Hơn nữa, Ukraine được cho là không có phương tiện vận chuyển thiết bị quân sự dự trữ bằng đường không hoặc tiến hành chiến tranh đổ bộ. Nguồn cung và hậu cần của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào đường bộ và đường sắt. Trong những điều kiện như vậy, việc phá hủy một cây cầu hoặc một tuyến đường sắt trên tuyến đường tiếp tế quan trọng có thể dẫn đến một thảm họa ở tiền tuyến.
Để thực hiện thành công một cuộc phản công quy mô lớn, quân đội Ukraine có thể không sử dụng thiết bị công nghệ cao như máy bay không người lái Bayraktar hoặc hệ thống M142 HIMARS, mà thay vào đó dựa vào các khí tài uy lực như pháo binh, xe tăng, số lượng lớn bộ binh và số lượng lớn đạn, tên lửa và đạn pháo. Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố, Kiev sẽ khó có thể nhanh chóng bổ sung đạn dược.
Theo RT, quân đội Ukraine gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm các vũ khí quan trọng như đạn súng cối, đạn pháo 122mm, 152mm và 155mm, hệ thống chống tăng và đạn dành cho vũ khí nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng Ukraine thiếu sức mạnh để vượt qua mặt trận gồm 3-5 tuyến phòng thủ.
Khi chiến dịch phản công bắt đầu, một câu hỏi được đặt ra đầu tiên cho các chỉ huy Ukraine là tấn công vào đâu. Nga đang cố thủ ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, và dọc theo khu vực phía đông nam, nơi có hành lang trên bộ nối với bán đảo Crimea.
Các lực lượng Ukraine có thể tổ chức nhiều mũi phản công nhằm tăng cơ hội tìm ra điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi khả năng phối hợp tác chiến của các lực lượng nhiều hơn so với một cuộc tấn công tập trung, đơn lẻ. Sự phối hợp sẽ rất quan trọng vì Kiev có số lượng binh sĩ và thiết bị được huấn luyện hạn chế. Ukraine cũng không muốn dàn trải lực lượng quá mỏng dọc theo gần 1.000km tiền tuyến.
Sau khi quân đội Ukraine bắt đầu phản công, họ sẽ cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga. Tuy nhiên, đây lại là một thử thách khác với Kiev. Ở nhiều khu vực, Nga đã đào hào, dựng lô cốt và công sự trong gần một năm qua. Tại một số khu vực, hệ thống phòng thủ thậm chí còn mở rộng hơn. Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các tuyến phòng thủ đã được Nga thiết kế để làm chậm hoặc ngăn chặn đà tiến công của quân đội Ukraine.
Nếu các lực lượng Ukraine chọc thủng phòng tuyến Nga, họ sẽ tìm cách nhanh chóng điều quân tiếp viện từ phía sau để kiểm soát trận địa. Bước tiếp theo là truy tìm và phá hủy hệ thống phòng không, radar, nguồn cung cấp đạn dược và trung tâm kiểm soát của Nga, với mục tiêu kiểm soát và giành lại nhiều lãnh thổ hơn nữa.
Một ẩn số lớn khác là Nga sẽ bảo vệ phòng tuyến của họ vững chắc như thế nào. Nga đã đầu tư rất nhiều vào các chướng ngại vật và có thể đã chuẩn bị sẵn các vị trí khai hỏa để tấn công các lực lượng Ukraine đang tìm cách băng qua.
"Các chướng ngại vật sẽ không phát huy hiệu quả trừ khi chúng có hỏa lực yểm trợ", Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức Rand Corp, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng việc Nga huy động quân đồng nghĩa với việc họ có số binh sĩ đang đồn trú ở Ukraine nhiều hơn so với chiến dịch ở Kharkov năm ngoái.
"Ở Kharkov, Nga từng không có đủ lực lượng và điều đó khiến họ thất thủ. Còn bây giờ, họ có thể không phải là đội quân được huấn luyện hoặc phối hợp tốt nhất, nhưng họ có đội quân đông đảo", ông Boston nói thêm.
Chia sẻ với hãng thông tấn DPA của Đức sau khi trở về từ Ukraine, tướng Carsten Breuer, tổng thanh tra lực lượng vũ trang Đức, hôm 10/5 cho biết điều kiện thời tiết cho cuộc phản công của Ukraine hiện không thuận lợi và đây có thể là lý do khiến Kiev chưa sẵn sàng phản công. Ông Breuer nói rằng một số khu vực ở Ukraine biến thành "hồ nước lớn", trong khi mặt đất vẫn còn lầy lội và ẩm ướt.
Đại sứ Ukraine tại Anh Vadim Pristayko đầu tháng này cũng nhận định thời tiết đang gây bất lợi cho kế hoạch phản công của Ukraine, khiến chiến dịch này bị trì hoãn. Theo lý giải của ông Pristayko, quân đội Ukraine hiện chưa thể triển khai xe tăng và các phương tiện bọc thép do phương Tây cung cấp do tình trạng bùn lầy. Mặt đất ở Ukraine thường lầy lội vào mùa xuân. Thậm chí, mùa xuân năm nay, mưa nhiều hơn so với thông thường.
Bước ngoặt bất ngờ với Ukraine?
Bất chấp những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt, các quan chức quân sự Mỹ và phương Tây cho rằng Kiev có khả năng một lần nữa gây bất ngờ với chiến dịch phản công.
"Tôi lạc quan rằng từ năm nay đến năm sau, Ukraine sẽ tiếp tục duy trì động lực phản công", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các phóng viên trong chuyến thăm Washington gần đây.
Ukraine hiện được trang bị xe tăng châu Âu và xe bọc thép chở quân của Mỹ, đồng thời có các đơn vị mới do lực lượng Mỹ và NATO huấn luyện và trang bị. Theo các tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ, Ukraine đã tập hợp được lực lượng gồm 12 lữ đoàn chiến đấu với khoảng 4.000 binh sĩ và các lữ đoàn này đã sẵn sàng được triển khai từ cuối tháng 4. Các tài liệu cho biết Mỹ và các đồng minh NATO đang huấn luyện và trang bị cho 9 trong số các lữ đoàn này.
Cơ hội tốt nhất để Ukraine cho thấy sự bất ngờ trong cuộc phản công của nước này sẽ phụ thuộc vào tình báo của Mỹ, NATO và Ukraine. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể xác định những điểm yếu đáng kể trong hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể khai thác chúng bằng cách triển khai xe tăng và xe chiến đấu Bradley do phương Tây cung cấp.
Ukraine đã xây dựng các lữ đoàn chiến đấu mới bằng cách kết hợp những tân binh chưa có nhiều kinh nghiệm với một nhóm nhỏ gồm những binh sĩ kỳ cựu. Bắt đầu từ tháng 1, các đơn vị này đã đến các cơ sở huấn luyện của Mỹ ở Đức để học cách sử dụng thiết bị mới của họ và cách tiến hành chiến thuật mà quân đội Mỹ gọi là diễn tập vũ trang kết hợp, sử dụng thông tin liên lạc hiệu quả để phối hợp lực lượng tiến công với các đơn vị hỗ trợ như xe tăng và pháo binh.
Theo nhiều quan chức Mỹ, việc huấn luyện những chiến thuật trên đã diễn ra tốt đẹp và lực lượng Ukraine đã chứng tỏ rằng họ có khả năng học hỏi nhanh. Tuy vậy, thực tế và lý thuyết thường khác nhau và việc sử dụng các chiến thuật mới thường dễ dàng hơn khi thực hiện các bài tập huấn luyện so với trên chiến trường.
Nếu các lực lượng Ukraine thành công trong việc sử dụng các chiến thuật mới, dù chỉ ở một mức độ nhỏ, họ vẫn có thể vượt qua lực lượng Nga, vốn vượt trội về binh lực.
"Nếu Ukraine có thể vượt qua, tôi nghĩ họ có thể thay đổi động lực trên chiến trường", Đô đốc Christopher W. Grady, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nhận định.
Theo Ed Arnold, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi, lợi thế của Ukraine là nước này có quyền lựa chọn nơi tiến hành phản công. "Dấu hiệu của một chiến lược tốt là nó tạo ra các lựa chọn, thậm chí Ukraine có thể gây sức ép, hoặc có vẻ như gây sức ép, ở một số khu vực nhằm gây tổn thất nghiêm trọng cho Nga", chuyên gia Arnold nói.
Hiện tại, Ukraine có khả năng sẽ triển khai các đơn vị được thành lập với sự giúp đỡ của phương Tây nhằm nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến của Nga. Tính toán trên số lượng vũ khí dự bị hiện tại, các vấn đề về hậu cần và những thách thức khác xuất hiện sau khi bắt đầu phản công, lựa chọn thực tế duy nhất của Kiev là tiến hành phản công từ một hướng cụ thể và không báo trước.
Các địa điểm phản công tiềm năng của Ukraine bao gồm Kherson, Lugansk hoặc Zaporizhia. Đối với phương án dự phòng, Ukraine có thể cân nhắc tấn công các ngôi làng ở vùng Kursk, Bryansk và Belgorod. Tuy nhiên, thách thức chính đối với Ukraine là cuộc tấn công lớn đầu tiên của họ, thậm chí là nỗ lực huy động lực lượng có thể làm mất thế trận, từ đó phá hỏng toàn bộ kế hoạch phản công.
Theo Wall Street Journal, nếu Ukraine phản công thành công, họ sẽ giành lại thế chủ động, nâng cao tinh thần chiến đấu và nhận thêm sự ủng hộ cũng như hỗ trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh. Tuy vậy, Kiev vẫn đối mặt với không ít rủi ro.
"Rủi ro rất lớn. Với ít tiến triển trên chiến trường và sự chú ý ngày càng giảm trên toàn thế giới, Ukraine phải thoát ra khỏi thế bế tắc hiện tại, nếu không họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán", Mark Kimmitt, lữ đoàn trưởng đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ, nhận định.
Thành Đạt
Theo NYT, RT, WSJ, Guardian