1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm lý người Ukraine sau 2 năm chiến sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ước tính gần một nửa dân số Ukraine cần hỗ trợ về mặt tâm lý khi cuộc chiến hơn 2 năm với Nga vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm lý người Ukraine sau 2 năm chiến sự - 1

Các quân nhân Ukraine tham dự buổi học kiểm soát căng thẳng tại một trung tâm quân y ở Donetsk (Ảnh: Al Jazeera).

Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 năm trước, Alina Viatkina, 28 tuổi, đã nhận nuôi một chú chó.

Mặc dù không có nơi ở cố định nhưng cô biết rằng việc chăm sóc thú cưng sẽ là một niềm an ủi. Đó là một cách đối phó với những khó khăn về mặt tâm lý trong thời chiến.

Kể từ năm 2017, Viatkina, một sinh viên tâm lý, đã làm quản lý cho một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các cựu chiến binh và gia đình họ về sức khỏe tinh thần. Đây là một vấn đề ngày càng trở nên cấp bách khi cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài sang năm thứ 3.

Bộ Y tế Ukraine ước tính gần một nửa dân số, 15 triệu trong số 38 triệu người, đang cần hỗ trợ tâm lý, trong khi 3-4 triệu người có thể cần dùng thuốc.

Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska là gương mặt đại diện cho chiến dịch mang tên "Bạn có ổn không?". Câu hỏi này đã trở thành biểu tượng của hoạt động chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong thời chiến. Trang web của bà liệt kê một số ứng dụng và tổ chức có thể giúp giải quyết chấn thương tâm lý.

Nhưng bất chấp nguồn lực được đầu tư, nhiều người vẫn lo ngại một cuộc khủng hoảng tâm lý sắp xảy ra.

"Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, chúng tôi đã chứng kiến một làn sóng lo lắng. Vào năm thứ hai, chúng tôi trải qua một làn sóng trầm cảm", Viatkina nói.

"Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi sẽ gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, vì hiện nay có quá nhiều cảm xúc mà con người đang kìm nén", cô dự đoán.

Khi xung đột năm 2014 bùng phát giữa quân đội Ukraine và phe ly khai, cô đã gia nhập một tiểu đoàn y tế tình nguyện. Sau đó, ở tuổi 19, cô dành gần một năm để quan sát cận cảnh sự khủng khiếp của cuộc chiến.

Khi trở về nhà, cô không thể tìm thấy bình yên trong lòng. Được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tấn công hoảng loạn và trầm cảm, cô đã quyết định sẽ giúp đỡ các cựu chiến binh và gia đình họ.

Khi cuộc chiến nổ ra vào năm 2022, chồng cô gia nhập quân đội.

"Trải nghiệm làm vợ lính còn khó hơn ở tiền tuyến. Tôi làm việc với một bác sĩ trị liệu, nhưng tôi vẫn cảm thấy toàn bộ cuộc đời mình đã dừng lại vào ngày anh ấy nhập ngũ", cô nói.

"Khi anh ấy trở về từ mặt trận, tôi rất đau lòng. Là vợ anh ấy, tôi muốn dành thời gian cho anh ấy. Nhưng với tư cách là một cựu chiến binh và một chuyên gia sức khỏe tâm thần, tôi biết rằng anh ấy muốn được ở một mình để đối mặt với trải nghiệm này", cô cho biết.

"Chữa lành" tâm lý

Cùng với việc cung cấp các buổi trị liệu, Viatkina và nhóm của cô đã ra mắt Baza vào năm ngoái. Đây là một ứng dụng hỗ trợ những người không thể hoặc do dự tham gia các buổi trị liệu để "chữa lành" tâm lý.

Ứng dụng này có các bản ghi âm thiền định, giải thích những tổn thương gây ra cho cơ thể và dạy mọi người cách đối phó với căng thẳng.

Việc sử dụng các ứng dụng và công nghệ internet đã trở nên phổ biến trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe tâm thần ở Ukraine.

Người Ukraine cũng sử dụng ứng dụng Svidok. Nền tảng này thu thập những lời chia sẻ ẩn danh của người Ukraine về trải nghiệm của họ trong thời chiến. Nó có tác dụng như một cuốn nhật ký dành cho những người tìm thấy niềm an ủi khi mô tả cảm xúc của mình. Ukraine cũng xem đây là nơi ghi lại bằng chứng để họ có thể yêu cầu sự bù đắp từ Nga.

Với khoảng 4.000 thành viên và 2.000 lời chứng, Svidok đã ghi lại trải nghiệm của nhiều người về cuộc sống đời thường, hoạt động tình nguyện, hành trình di cư và những bi kịch thời chiến.

Viết nhật ký là cách đầu tiên mà Olena Kuk, 27 tuổi, đã sử dụng. Cô là người dẫn chương trình truyền hình và chuyên gia truyền thông tại AI For Good Foundation, tổ chức đã tạo ra Svidok. Cô gặp cơn hoảng loạn đầu tiên khi phỏng vấn đại sứ Mỹ trước ống kính, đó là lúc cô biết rằng mình cần phải ưu tiên sức khỏe tâm lý của bản thân.

"Tôi bắt đầu khóc giữa cuộc phỏng vấn. Tôi rất xấu hổ vì nó không mang lại cảm giác chuyên nghiệp. Tôi không thể thở được, đơn giản là không có đủ không khí. Sau sự cố đó, tôi hiểu rằng, không, tôi không ổn", Kuk nói.

Tuy nhiên, ứng dụng cũng có những hạn chế nhất định.

Đối với những người lớn tuổi, việc cùng nhau tham gia cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm thường là cách ưa thích để đối phó với tổn thương tâm lý. Vì lý do này, Volodymyr Savinov, nhà tâm lý học và nghiên cứu viên tại Viện Tâm lý Chính trị và Xã hội ở Kiev, đã sử dụng phương pháp sân khấu tái hiện.

Với hình thức này, người tham gia tới một sân khấu, kể những câu chuyện của riêng họ và xem chúng được trình diễn ngay tại chỗ bởi các diễn viên chuyên nghiệp.

"Mọi người sẽ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý nhưng khi bạn nói rằng đó là hoạt động trình diễn sân khấu, họ sẵn sàng tham gia và kể về câu chuyện của họ. Bạn không thể gọi nó là liệu pháp tâm lý, nhưng nó là phương pháp thực hành sân khấu có tác dụng chữa bệnh", Savinov nói.

Cùng với nhóm Deja vu, Savinov đã hỗ trợ những người di cư trong nước và các cựu chiến binh trong bệnh viện.

Tuy nhiên, dự án của anh cũng gặp vấn đề. Một trong những các diễn viên đã nhập ngũ, 1 người rời đất nước và 1 người khác đã thiệt mạng khi chiến đấu.

Savinov cho biết hiện chỉ có 1 nhà tâm lý học cho mỗi 100.000 người ở Ukraine. Anh cho rằng con số này cần phải tăng lên ít nhất gấp 5 lần.

Theo Al Jazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine