Những trụ cột trong kế hoạch hòa bình Ukraine của ông Trump
(Dân trí) - Dựa trên thế mạnh ngoại giao cá nhân cùng cách tiếp cận thực dụng, kế hoạch hòa bình của ông Trump được mong đợi sẽ mang đến những tia hy vọng mới cho cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài suốt 3 năm qua.
Đối với các bên mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh khốc liệt Nga - Ukraine thì việc Tổng thống đắc cử Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã mở ra một cơ hội quan trọng.
Trái ngược với Tổng thống Joe Biden khi chính quyền đương nhiệm của ông kiên định duy trì chính sách hậu thuẫn cho Ukraine chứ không tập trung thúc đẩy một kết cục rõ ràng cho cuộc chiến, ông Trump dường như chỉ chuyên tâm vào kết cục đó.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn nêu rõ ý định đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán ngay sau khi nhậm chức, thậm chí còn có thể thúc đẩy sớm hơn.
Chỉ vài tuần sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Trump đã bổ nhiệm tướng nghỉ hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Động thái này cho thấy rõ, ông và chính quyền Mỹ sắp tới coi việc chấm dứt chiến tranh là một ưu tiên quan trọng.
Từ tháng 4/2022, ngay trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Nga và Ukraine đã tiến hành một số vòng đàm phán trực tiếp và trực tuyến nhằm chấm dứt xung đột. Một khuôn khổ hòa bình với tên gọi "Thông cáo Istanbul" đã được soạn thảo nhưng cho đến nay các bên vẫn chưa thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Tuy nhiên, sự thay đổi triệt để trong cách tiếp cận cuộc chiến của chính quyền Mỹ sắp tới đem đến hy vọng về khả năng khôi phục lại các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Những trụ cột trong kế hoạch hòa bình của ông Trump
Cuộc chiến toàn diện Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022 đã để lại những hậu quả to lớn về con người và của cải cho cả hai bên. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Ukraine đã phải gánh chịu tổn thất lên tới 500 tỷ USD.
Vì vậy, giải quyết cuộc khủng hoảng này cần nhiều hơn các động thái chính trị. Nó đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện, sáng tạo, đa chiều, kết hợp giữa ngoại giao, kinh tế, hợp tác quốc tế và có thể cả sự kiên nhẫn.
Cho đến nay, ông Trump vẫn chưa chính thức đưa ra một kế hoạch hòa bình cụ thể nào cho cuộc chiến Nga - Ukraine nhưng dựa vào những phát ngôn, động thái mà ông có ý định xúc tiến, các chuyên gia theo dõi tình hình quốc tế đã khái quát được những trụ cột chính như sau:
Thúc đẩy đàm phán trực tiếp: Cốt lõi trong kế hoạch của ông Trump là xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, do chính ông hoặc một bên trung lập khác làm trung gian.
Ý tưởng này, một mặt cho thấy ông Trump thực sự đang rất đôn đáo muốn kết thúc cuộc chiến, mặt khác nó cũng phản chiếu những thành công ngoại giao trong quá khứ mà ông Trump từng giữ vai trò trung gian, chẳng hạn như Hiệp định Hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Hiệp ước Abraham).
Những hiệp định dạng này đã chứng minh được sức mạnh của ngoại giao cá nhân trong việc giải quyết các cuộc xung đột dai dẳng. Kết quả đàm phán giữa các nhà lãnh đạo hoàn toàn có thể mở đường cho hòa bình.
Tất nhiên, mối ngờ vực và sự thù địch cá nhân giữa hai ông Putin và Zelensky có khả năng làm phức tạp thêm đề xuất này. Tuy vậy, các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian, lấy biện pháp xây dựng lòng tin làm trọng tâm, có thể mở đường cho một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, xúc tiến hoạt động trao đổi tù nhân và các thỏa thuận viện trợ nhân đạo, mang lại hy vọng cho những người đang bị kẹt giữa hai làn đạn.
Trừng phạt kinh tế: Các biện pháp trừng phạt kinh tế là trụ cột quan trọng trong chiến lược của ông Trump, đóng vai trò như "củ cà rốt và cây gậy". Mỹ sẽ nới lỏng một cách có điều kiện nếu Nga đồng ý rút quân và tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn nhưng sẽ thắt chặt nếu xảy ra vi phạm.
Các lệnh trừng phạt trước đây đã cho thấy hiệu quả. Bằng chứng là Nga đã bị giảm 2,2% GDP vào năm 2022 và 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối bị đóng băng.
Thiết lập khu vực phi quân sự: Một nền tảng khác trong kế hoạch của ông Trump là thiết lập khu phi quân sự (DMZ) ở các vùng lãnh thổ đang xảy ra chiến sự, chẳng hạn như Donbass. DMZ có thể đóng vai trò như một vùng đệm, giảm nguy cơ leo thang ngoài ý muốn và mở ra không gian cho đối thoại.
DMZ ở Triều Tiên, được thiết lập năm 1953, là minh chứng cho thấy cách các thỏa thuận như vậy có thể giúp ngăn chặn không để bạo lực lan rộng thêm.
Giám sát quốc tế, có thể thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình, là điều cần thiết để thực thi một thỏa thuận dạng này, góp phần bảo vệ dân thường, đồng thời đảm bảo DMZ không trở thành điểm nóng gây ra căng thẳng mới.
Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình: Lực lượng gìn giữ hòa bình là một yếu tố quan trọng khác trong đề xuất của ông Trump. Các phái bộ trung lập đặt dưới sự chỉ huy của NATO hoặc Liên hợp quốc có thể giúp giám sát lệnh ngừng bắn, đảm bảo tuân thủ DMZ cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Những thành công trong quá khứ diễn ra sau các cuộc can thiệp của NATO vào Bosnia (năm 1995) và Kosovo (năm 1999) đã chứng tỏ nỗ lực gìn giữ hòa bình có thể ổn định các khu vực bị chiến tranh tàn phá.
Tái thiết kinh tế cho Ukraine: Tái thiết kinh tế giữ vai trò then chốt trong chiến lược của ông Trump. Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tới đây muốn tận dụng các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để tái thiết cơ sở hạ tầng, phục hồi nền kinh tế cho Ukraine, qua đó giảm thiểu những tổn thương dài hạn.
Ý tưởng này có nhiều nét tương đồng với Kế hoạch Marshall mà Mỹ đã triển khai giúp phục hồi nền kinh tế châu Âu sau Thế chiến II. Tất nhiên, thành công sẽ phụ thuộc vào tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng hợp tác giữa các quốc gia tài trợ.
Đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu: An ninh năng lượng được xem là một khía cạnh không thể thiếu trong đề xuất của ông Trump. Cuộc chiến tranh đã cho thấy châu Âu phải phụ thuộc vào khí đốt của Nga lớn tới mức nào. Theo cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2021, 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu có nguồn gốc từ Nga.
Vì vậy, chiến lược được ông Trump đề xuất nhấn mạnh tới việc tăng cường khả năng độc lập về năng lượng cho châu Âu thông qua xuất khẩu LNG của Mỹ và đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Những biện pháp như vậy có thể giúp châu Âu tự bảo vệ mình trước các cuộc khủng hoảng địa chính trị trong tương lai, bởi luôn có sự giao thoa giữa chính sách năng lượng và an ninh quốc gia.
Những "hòn đá tảng" cản bước tiến hòa bình
Mặc dù chứa đựng những yếu tố khả thi nhưng kế hoạch hòa bình của ông Trump cho cuộc chiến Nga - Ukraine tất yếu phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Mối ngờ vực sâu sắc giữa Nga và Ukraine vốn đã diễn biến trầm trọng hơn sau nhiều năm bất hòa cộng với gần 3 năm chiến sự sẽ càng làm cho triển vọng đàm phán trở nên mong manh.
Những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết cũng sẽ là "hòn đá tảng" khiến không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp hay nhượng bộ nhau.
Căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là giữa NATO và Nga, tạo thêm một rào cản phức tạp nữa. Ukraine muốn tìm kiếm một đảm bảo an ninh dưới hình thức gia nhập NATO. Tuy nhiên, cả chính quyền Joe Biden hiện tại lẫn chính quyền Donald Trump sắp tới đều không muốn thúc đẩy khả năng đó, trong suốt cuộc chiến hoặc kể cả sau này.
Trong khi đó, ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO lại là mục tiêu chính sách của Nga từ nhiều thập kỷ nay và là một trong những động lực chính yếu để Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến năm 2022.
Ngay cả khi tư cách thành viên liên minh NATO là lựa chọn khả thi cho Ukraine thì đó vẫn khó là một công cụ chính sách để chấm dứt chiến tranh.
Việc gia nhập NATO sẽ cần phải có sự chấp thuận của 32 quốc hội thành viên. Tiến trình này sẽ mất nhiều tháng và phụ thuộc vào việc Ukraine thực hiện những cải cách không liên quan gì đến giải quyết xung đột.
Đâu là giải pháp khả thi?
Nếu muốn thúc đẩy đàm phán hòa bình thành công, một điều kiện tiên quyết tối quan trọng là Mỹ phải xây dựng được một phương án chấm dứt chiến tranh rõ ràng.
Chính sách của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay không ưu tiên xác định mục tiêu kết thúc cuộc chiến mà chỉ tập trung hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể, đồng thời nhường cho Kiev hoạch định các kết quả mong muốn.
Suốt năm vừa qua, sự im lặng của Washington về vấn đề này đã khiến lưỡng đảng Quốc hội Mỹ nổi giận. Họ đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Biden phải đưa ra một chiến lược như vậy khi phê duyệt yêu cầu bổ sung 60 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4.
Hơn nữa, việc Mỹ thiếu vắng một chiến lược khả thi khiến các cường quốc khác, điển hình là Trung Quốc và Brazil, đã nổi lên như những quốc gia giữ vai trò chi phối các cuộc thảo luận quốc tế về việc chấm dứt chiến tranh. Chỉ riêng Bắc Kinh đã soạn thảo tới 3 kế hoạch hòa bình khác nhau.
Ông Trump đã nhanh chóng thay đổi tình hình khi chuyển hướng thảo luận khỏi các kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề xuất và thậm chí cả kế hoạch của Ukraine. Điều đó cho thấy Mỹ vẫn luôn sở hữu những đòn bẩy để định hình kết quả.
Tuy nhiên, việc theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn mà không giải quyết được các nguyên nhân cơ bản của cuộc xung đột thì khó có thể thành công. Nếu một thỏa thuận chỉ hướng tới chấm dứt giao tranh có thể sẽ không được cả Kiev và Moscow chấp nhận.
Để thuyết phục được các bên, bất kỳ cách tiếp cận nào của Mỹ với các cuộc đàm phán đều phải tính đến những nhân tố cốt lõi đang chi phối cuộc xung đột và cách thức chúng có thể được giải quyết một cách hợp lý.
Chính quyền Donald Trump sắp tới sẽ cần phải xây dựng một công thức toàn diện để giải quyết những vấn đề cốt lõi, kèm theo phải xây dựng một chiến lược ngoại giao để đạt được điều đó.
Có nghĩa là, ông Trump không chỉ phải vạch ra lộ trình cho một lệnh ngừng bắn lâu dài mà còn cần xác định cách đảm bảo an ninh cho Ukraine và vạch ra một chiến lược nhằm ổn định mối quan hệ giữa Nga với phương Tây.
Theo Foreign Affairs, Atimes