1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Những điều kiện đưa Nga - Ukraine tới bàn đàm phán chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đều đưa ra những điều kiện để nối lại tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột sau nhiều tháng giao tranh.

Những điều kiện đưa Nga - Ukraine tới bàn đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/12 nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga rằng, Moscow "sẵn sàng đàm phán một số kết quả có thể chấp nhận được với tất cả các bên tham gia quá trình này". Ông nói thêm rằng không phải Nga từ chối đàm phán, mà chính Ukraine và phương Tây mới là bên từ chối.

Ngày 27/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói với hãng tin AP về hy vọng tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" vào tháng 2, với mục tiêu chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga. "Mọi cuộc chiến đều kết thúc theo cách ngoại giao. Mọi cuộc chiến đều kết thúc do các hành động trên chiến trường và trên bàn đàm phán", ông Kuleba nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với những tuyên bố của Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các điều kiện cần thiết để hai bên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình, viễn cảnh xung đột sớm kết thúc dường như khó xảy ra.

Điều kiện của Nga

Mặc dù Điện Kremlin tuyên bố sẵn sàng để ngỏ các cuộc đàm phán, song các cuộc tập kích của Nga vào các mục tiêu tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 27/12 đã nêu chi tiết hơn về các điều kiện mà Nga cho là cần thiết để đạt được hòa bình với Ukraine. Ông Lavrov nói rằng Ukraine phải đầu hàng, nếu không xung đột sẽ tiếp diễn.

Phi phát xít hóa và phi quân sự hóa

Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại một tuyên bố mà Nga đã đưa ra kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra rằng, một trong những lý do khiến Nga mở chiến dịch quân sự là nhằm đối phó với sự gia tăng của chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine. Ông Lavrov tiếp tục kêu gọi Ukraine "phi phát xít hóa và phi quân sự hóa", coi đây là điều kiện đàm phán.

Từ bỏ các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga

Điều kiện hòa bình chính mà Nga đặt ra cho Ukraine là Moscow sẽ nắm quyền kiểm soát 4 khu vực gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk sau khi các vùng lãnh thổ này bỏ phiếu sáp nhập vào Nga hồi tháng 9. Việc sáp nhập diễn ra ngay cả khi Nga chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.

Điều kiện của Ukraine

Khi Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói với hãng tin AP về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình, ông đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres có thể làm trung gian cho tiến trình này. Nhưng ông Kuleba cũng cho biết, Nga sẽ chỉ được mời tham dự hội nghị nếu nước này đối mặt với việc bị truy tố tội ác chiến tranh tại một tòa án quốc tế. Đáp lại, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky tuyên bố, hội nghị thượng đỉnh hòa bình theo đề xuất của Ukraine không thể diễn ra nếu không có sự tham gia của Nga.

Rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine

Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 vào đầu tháng này, Tổng thống Zelensky cho biết đàm phán hòa bình sẽ bắt đầu bằng việc Nga rút quân khỏi Ukraine.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các điều kiện do Tổng thống Zelensky đưa ra sẽ chỉ dẫn đến "sự leo thang của các hành động thù địch."

Đối mặt với lệnh trừng phạt

"Một tội ác đã được thực hiện chống lại Ukraine, và chúng tôi yêu cầu sự trừng phạt", Tổng thống Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhiều lần kêu gọi Nga phải đối mặt với một số hình thức trừng phạt vì mở chiến dịch quân sự, đồng thời đề nghị Liên hợp quốc tước bỏ vai trò quyền lực của Moscow với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Đảm bảo an ninh của Ukraine

Tổng thống Zelensky cũng đề cập đến việc đảm bảo an ninh cho Ukraine như một điều kiện để đàm phán hòa bình, đồng thời tập hợp cộng đồng quốc tế trong việc ngăn hành động quân sự của Nga trong tương lai.

Không từ bỏ lãnh thổ

Yêu cầu lặp đi lặp lại của Tổng thống Zelensky về việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine có lẽ là điểm vướng mắc lớn nhất trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai bên. Tổng thống Putin muốn giữ các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập, trong khi ông Zelensky khẳng định những vùng lãnh thổ đó phải là một phần của Ukraine.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm