1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine vẫn bế tắc?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đều có những tính toán riêng trong chiến dịch quân sự, do vậy tiến trình đàm phán vẫn rơi vào bế tắc sau hơn 10 tháng xung đột.

Vì sao đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine vẫn bế tắc? - 1

Binh sĩ Ukraine phóng rocket ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Nga và Ukraine gần đây cáo buộc nhau không chân thành trong các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh về các biện pháp phòng ngừa nhằm đáp trả việc phương Tây áp giá trần dầu Nga. Giới phân tích nhận định, cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ cũng như xung đột quân sự ở Ukraine có thể leo thang hơn nữa vào năm 2023.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Nga đang thể hiện quyết tâm và sức mạnh cho một cuộc chiến lâu dài không chỉ với Ukraine mà còn với Mỹ và các nước phương Tây khác, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà cả kinh tế. Năm 2023, Nga có thể hành động quyết đoán để chấm dứt xung đột do Điện Kremlin cần tạo ra một môi trường tương đối ổn định và tích cực cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Trong khi đó, khả năng của phương Tây trong việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev ở mức độ nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, vì vậy nhiều khả năng xung đột sẽ leo thang hơn vào năm tới.

"Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng Kiev và phương Tây đã từ chối tham gia đàm phán", Tổng thống Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Nga hôm 25/12.

Tuy nhiên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng Tổng thống Putin cần trở về thực tại và thừa nhận chính Nga mới là bên không muốn đàm phán.

Tình thế bế tắc hiện tại trong cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra trong bối cảnh Điện Kremlin tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả mục tiêu và Nga sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ mà nước này đã kiểm soát, trong khi Kiev cũng tuyên bố không dừng lại cho đến khi mọi binh sĩ Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm vùng Donbass và bán đảo Crimea - những khu vực Moscow tuyên bố sáp nhập.

Nguyên nhân đàm phán bế tắc

Yang Jin, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng cả Nga và Ukraine đều không muốn từ bỏ những gì mà họ đã đạt được để thỏa thuận với bên còn lại. Điều này cho thấy hy vọng về các cuộc đàm phán vẫn còn rất xa.

Theo chuyên gia quân sự Song Zhongping, trong bối cảnh hiện nay, "nếu không thể giành được từ chiến trường, thì sẽ không thể giành được từ bàn đàm phán", và điều này áp dụng cho cả Nga và Ukraine. Hai bên đều tin rằng họ có thể tiếp tục thay đổi hiện trạng bằng các biện pháp quân sự, đây là lý do các trận chiến dữ dội ở miền Đông và miền Nam Ukraine vẫn tiếp diễn, và các cuộc tấn công nghi do Ukraine tiến hành trong lãnh thổ Nga cũng sẽ gia tăng.

"Đối với Nga, năm 2023 là một năm quan trọng, vì chính quyền Tổng thống Putin cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024. Nếu Nga không thể củng cố những gì đã đạt được hoặc thậm chí thỏa hiệp quá nhiều với Mỹ và Ukraine, chương trình nghị sự năm 2024 của ông Putin sẽ gặp khó khăn, vì vậy Nga không thể điều chỉnh các điều kiện đàm phán của mình", Cui Heng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông, nhận định.

"Đối với Ukraine và Mỹ, không gian đàm phán cũng bị hạn chế. Tại thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ bị gây sức ép bởi "sự đúng đắn về chính trị", nên dù muốn đối thoại với Nga để tìm cách xoa dịu căng thẳng và ít nhất để cho tình hình kinh tế khó khăn tạm lắng, họ cũng không dám thay đổi lập trường cứng rắn với Nga", ông Cui nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Cui, đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ, việc giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraine vào năm 2023 cũng khó xảy ra. Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, vấn đề Ukraine sẽ không bị các đảng viên Cộng hòa thách thức quá nhiều do "sự đúng đắn về chính trị", và khi Tổng thống Biden thể hiện không tốt trong các vấn đề đối nội, ông sẽ không ngần ngại sử dụng Ukraine như một "quân bài" để đảm bảo cơ hội tái đắc cử.

Trước tình hình ngày càng xấu đi, một số nhà quan sát lo ngại về một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ, khi Washington quyết định cung cấp thêm vũ khí, bao gồm hệ thống phòng không Patriot, cho Ukraine. Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ phá hủy Patriot của Mỹ một khi chúng được chuyển đến Ukraine.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát Trung Quốc có quan điểm khác về vấn đề này.

"Không cần thiết và không có điều kiện thực tế nào cho xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Lợi ích của Washington là giữ cho cuộc xung đột như một cuộc chiến ủy nhiệm mà không gây thương vong lớn cho Mỹ", chuyên gia Cui nhận định.

Theo Global Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine