DMagazine

Nhìn lại một năm "không thể chông gai hơn" của Tổng thống Mỹ Biden

(Dân trí) - Khi ông Biden nhậm chức đầu năm 2021, những người ủng hộ ông Trump vẫn cố tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, đại dịch Covid-19 tiếp tục khiến thêm nhiều người tử vong, và nền kinh tế rơi vào hỗn loạn.

"CHUYẾN TÀU LƯỢN SIÊU TỐC" CỦA TỔNG THỐNG MỸ BIDEN 

Khi ông Biden nhậm chức đầu năm 2021, những người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Donald Trump vẫn cố tìm cách lật ngược kết quả bầu cử, binh sĩ được triển khai xung quanh Điện Capitol để ngăn ngừa bạo loạn tái diễn, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục khiến thêm nhiều người Mỹ tử vong và nền kinh tế Mỹ rơi vào hỗn loạn.

Hiện tại, tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống mức thấp và đề xuất chính sách chủ chốt của ông chủ Nhà Trắng đang bị tắc lại ở Quốc hội, trong bối cảnh đảng Cộng hòa có thể sắp giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay.

Năm đầu tiên nắm giữ Nhà Trắng của ông Biden được ví như một chuyến tàu lượn siêu tốc, đánh dấu bằng những thắng lợi lập pháp và cả những thất bại chính trị.

Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ đại dịch và kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD vào tháng 3/2021, cũng như gói ngân sách cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD  vào tháng 11. Ngân sách quốc phòng 777 tỷ USD cũng đã được thông qua vào tháng 12.

Song dự luật biểu tượng trong chương trình nghị sự của ông Biden - kế hoạch 10 năm "Build Back Better" (Xây dựng lại tốt đẹp hơn - 3B) ban đầu trị giá 3.500 tỷ USD - đã bị chặn lại tại quốc hội bởi mâu thuẫn nội bộ trong đảng Dân chủ cũng như sự phản đối của đảng Cộng hòa. Biến chủng Omicron đã gây ra làn sóng Covid-19 mới, khiến giá thực phẩm và nhiên liệu ngày càng tăng.

Trên mặt trận đối ngoại, ông Biden tái khẳng định vai trò của các thiết chế đa phương, củng cố quan hệ với các đồng minh trong nỗ lực đưa "nước Mỹ trở lại" sau 4 năm "nước Mỹ trên hết" thời Trump. Song cuộc rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 8 đã khiến hình ảnh nước Mỹ và chính quyền Biden bị ảnh hưởng tiêu cực, góp phần khiến tỷ lệ ủng hộ ông lao dốc.

Năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Biden kết thúc với những đánh giá trái chiều. Không ít người cho rằng màn thể hiện của ông "gây thất vọng" - như ban biên tập Financial Times, là "thất bại" hay thậm chí "thảm họa" - như cách các nhà bình luận của Fox News đề cập. Song cũng có những ý kiến cho rằng ông Biden đã "thắng lớn dù bài xấu" trong ván poker năm qua, như tác giả David Frum viết cho Atlantic.

"Trong những hoàn cảnh như vậy, ông Biden đã thể hiện vô cùng tốt, hoàn thành những gì ông ấy đã làm", giáo sư James Thurber, người giảng dạy về chính phủ tại Đại học American ở Washington DC, đồng thời đang viết một cuốn sách về năm đầu cầm quyền của ông Biden, nói với hãng tin Al Jazeera.

ĐẠI DỊCH COVID-19 "LÀM KHÓ" ÔNG BIDEN

Nhìn lại một năm không thể chông gai hơn của Tổng thống Mỹ Biden - 1

Hàng trăm nghìn người Mỹ vẫn chết vì Covid-19 bất chấp chiến dịch tiêm chủng được chính quyền Biden đẩy mạnh (Ảnh: AP).

Trong diễn văn nhậm chức tại Điện Capitol ngày 20/1/2021, ông Biden hứa hẹn sẽ chèo lái nước Mỹ vượt qua "mùa đông u tối" vì đại dịch Covid-19. Và khi sắp sửa kết thúc năm đầu tại vị, một lần nữa ông nói với công chúng rằng loại virus liên tục đột biến này sẽ không trở thành "bình thường mới".

Đại dịch đã định hình năm đầu tiên làm tổng thống Mỹ của ông Biden.

Trước khi nhậm chức, vị tổng thống 79 tuổi đã đưa ra cam kết rằng chính quyền của ông sẽ tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Chính quyền Biden cuối cùng đã đạt được mục tiêu vào ngày thứ 58.

Theo dữ liệu y tế liên bang, hơn 74% người Mỹ đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất một liều trong ba loại vaccine được liên bang phê duyệt, trong khi hơn 205 triệu người Mỹ, tức 62% trong số những người đủ điều kiện, đã được tiêm chủng đầy đủ.

Song trong vài tháng qua, chính quyền đã phải điều chỉnh chiến lược để tập trung vào việc tiêm mũi vaccine tăng cường và xét nghiệm vì sự lây lan nhanh chóng của các biến chủng virus Delta và Omicron khiến đại dịch bùng phát mạnh trở lại.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) liên bang khuyến cáo rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ cần tiêm nhắc lại sáu tháng sau mũi tiêm gần nhất của họ. Chính quyền vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận khoảng 15% người Mỹ chưa tiêm bất kỳ liều vaccine nào.

Ông Biden đã cam kết sẽ cung cấp miễn phí 500 triệu bộ xét nghiệm tại nhà thông qua một website của chính phủ, sau những chỉ trích về việc đáp ứng nhu cầu xét nghiệm trước làn sóng lây nhiễm mới.

"Mặc dù chính quyền Biden đã rất thành công vào mùa xuân năm 2021 với việc phân phối vaccine, sự xuất hiện của biến chủng Omicron trong vài tuần qua và việc nhận ra rằng khả năng xét nghiệm còn thiếu cho thấy ngoài vaccine ra, cần phải có một kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra khi các biến chủng mới xuất hiện", Meena Bose, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Peter S. Kalikow thuộc Đại học Hofstra, nói với Newsday.

Michael Dawidziak, nhà tư vấn chính trị từng làm việc trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống George H.W. Bush, cho rằng việc thay đổi các hướng dẫn liên bang đã dẫn đến sự thất vọng về cách xử lý của chính quyền đối với đại dịch, đặc biệt là trong các đảng viên Cộng hòa.

CUỘC "ĐẤU ĐÁ" TRONG CƠ QUAN LẬP PHÁP

Nhìn lại một năm không thể chông gai hơn của Tổng thống Mỹ Biden - 2

Ông Biden có thể đối mặt với việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022 (Ảnh: AP).

Ông Biden đã có được một chiến thắng lớn vào tháng 11 năm ngoái khi Quốc hội thông qua một trong những ưu tiên lập pháp chủ chốt của ông: Dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD nhằm nâng cấp hệ thống giao thông và liên lạc đã già cỗi của nước Mỹ.

Dự luật nhận được sự ủng hộ của 19 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Lãnh đạo Thiểu số Mitch McConnell, cùng với 13 hạ nghị sĩ đảng này. Ông McConnell trước đó từng tuyên bố "100%" trọng tâm của ông sẽ là "ngăn chặn" chương trình nghị sự của tổng thống phe Dân chủ.

Ông Biden, vốn là thành viên lâu năm của thượng viện trước khi ra tranh cử và được cho là có khả năng thuyết phục lưỡng đảng, cho biết dự luật cơ sở hạ tầng "đã chứng minh rằng chúng ta vẫn có thể cùng nhau làm những việc lớn, những việc quan trọng cho người dân Mỹ".

Nói về những thành tựu lập pháp của chính quyền Biden trong bài viết trên Atlantic, tác giả David Frum cho rằng nếu liên hệ với "sức mạnh" mà chính quyền có được ở quốc hội, thì ông Biden và đội ngũ đã "thành công vượt trội". Tác giả chỉ ra rằng nếu cựu Tổng thống Barack Obama có đến 57 thượng nghị sĩ Dân chủ ở thượng viện trong nhiệm kỳ đầu tiên thì ông Biden chỉ có 50 (cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris là lá phiếu phá vỡ thế quân bình).

Ngoài gói cứu trợ đại dịch 1.900 tỷ USD và gói ngân sách hạ tầng 1.200 tỷ USD, ông Biden đã ký 75 mệnh lệnh hành chính, nhiều trong số đó thúc đẩy các mục tiêu trong chính sách nhập cư. Ông cũng nhận được sự phê chuẩn của thượng viện cho 40 thẩm phán liên bang, nhiều hơn bất cứ tổng thống nào trong năm đầu nhiệm kỳ kể từ thời Ronald Reagan, cũng như nhiều gấp đôi con số mà ông Trump có được.

Dù vậy, tính tổng số vị trí cần thượng viện xem xét trong năm đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ được phê chuẩn mà ông Biden có được là thấp nhất trong 3 tổng thống gần đây, ở mức 41%. Và ông Biden cũng không thể vui mừng lâu với những thắng lợi lập pháp nói trên trong bối cảnh đấu đá giữa phe cấp tiến và phe ôn hòa trong nội bộ đảng Dân chủ. Họ tranh cãi về quy mô của dự luật biểu tượng "Build Back Better" (3B) tập trung vào cơ sở hạ tầng xã hội, như phổ cập nhà trẻ và mở rộng quyền lợi y tế cho người cao tuổi.

Những nhà lập pháp cấp tiến của đảng Dân chủ muốn thông qua một gói ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD bao gồm các chính sách như nghỉ ốm tại gia được hưởng lương, hay cung cấp bảo hiểm nha khoa và nhãn khoa cho người cao tuổi đăng ký Medicare (một chương trình bảo hiểm y tế).

Song do sự phản đối từ các thành viên ôn hòa của đảng, bao gồm Thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia, quy mô gói ngân sách đã bị giảm một nửa, chỉ còn 1.750 tỷ USD. Và kể cả như vậy, kế hoạch 3B vẫn chưa thể qua ải quốc hội trong năm 2021.

Cựu Hạ nghị sĩ Steve Israel, người từng là chủ tịch Ủy ban Tranh cử Quốc hội đảng Dân chủ, cho biết cuộc đấu đá công khai đã làm ảnh hưởng đến khả năng của ông Biden trong việc tận dụng sự ủng hộ nói chung của công chúng đối với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác, các đảng viên Dân chủ sẽ tán dương thực tế là ngay cả dưới thời Mitch McConnell, họ đã thông qua được một dự luật lưỡng đảng mang tính lịch sử để tạo việc làm và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của chúng ta", ông Israel, người hiện là giám đốc Viện Chính trị và Các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học Cornell, cho biết.

"Thay vào đó, các đảng viên Dân chủ đã chỉ trích lẫn nhau về việc họ không thể thông qua một dự luật thậm chí còn lớn hơn, và điều đó làm tổn hại đến câu chuyện mà họ muốn kể", chuyên gia trên nói thêm.

RÚT KHỎI "VŨNG LẦY" AFGHANISTAN 

Nhìn lại một năm không thể chông gai hơn của Tổng thống Mỹ Biden - 3

Cuộc rút quân lộn xộn khỏi Afghanistan của Mỹ đã khiến Tổng thống Biden hứng chịu nhiều chỉ trích (Ảnh minh họa: Thequint).

Vào tháng 4/2021, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố chấn động nước Mỹ và toàn cầu.

"Tôi hiện là tổng thống Mỹ thứ tư chứng kiến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan", ông Biden nói trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng. "Hai đời tổng thống Cộng hòa. Hai đời tổng thống Dân chủ. Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người thứ năm".

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 đã đàm phán  với các thủ lĩnh Taliban một thỏa thuận kêu gọi Mỹ và các đồng minh nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 1/5.

Tuy nhiên, khi chính quyền mới của ông Biden bắt đầu, các quan chức Lầu Năm Góc đã trì hoãn thời hạn, khẳng định rằng Taliban vẫn chưa đáp ứng cam kết về việc ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố xuất phát từ khu vực.

Vào tháng 7, ông Biden đã lên lịch rút quân, thông báo trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng rằng Mỹ sẽ hoàn tất việc rút quân trước ngày 31/8.

Trong vòng vài tuần, Taliban đã giành lại được chỗ đứng của mình ở các tỉnh trong cả nước. Đến ngày 16/8, chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn đã rơi vào tay Taliban.

Hàng loạt dân thường - bao gồm thông dịch viên và những người hỗ trợ quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh trong gần hai thập niên - đã đổ về sân bay chính của Kabul để tìm đường rời khỏi Afghanistan.

13 thành viên quân đội Mỹ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết bên ngoài một trong những cổng chính của sân bay, trong khi hơn 60 thường dân Afghanistan thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Ông Biden biện minh cho chiến lược rút quân, nói rằng "tôi sẽ không kéo dài cuộc chiến bất tận này, và tôi sẽ không trì hoãn một lối thoát vĩnh viễn".

Cuộc rút quân đột ngột và hỗn loạn diễn ra trùng thời điểm với việc số Covid-19 ở Mỹ gia tăng do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Ông Biden hiện vẫn chưa thể khôi phục sự tín nhiệm của công chúng sau cuộc khủng hoảng tại Afghanistan. Trong gần 3 tháng cho đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò dư luận trung bình dao động ở mức 42-43%, chỉ xếp trên ông Trump.

"Trải qua mấy thời chính quyền, đại đa số người Mỹ đã luôn nói 'Tại sao chúng ta vẫn ở Afghanistan? Tại sao chúng ta không thể rút khỏi Afghanistan?'", nhà sử học về tổng thống Jeffrey Engel nói. "Điều họ không muốn là cảnh tượng xấu hổ ở sân bay".

Giờ đây, các thành viên phe Cộng hòa trong quốc hội - những người sẵn sàng giành lại một hoặc cả hai viện vào mùa thu tới - khẳng định Bộ Ngoại giao Mỹ đang cản trở việc tìm kiếm câu trả lời của họ cho những gì đã xảy ra ở Afghanistan.

Và ngay cả khi ông Biden khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ đang quay lưng lại với cuộc chiến chống khủng bố, thì những cảnh tuyệt vọng từ Afghanistan tiếp tục làm dấy lên nhiều lo lắng. Liệu chiến lược tấn công mục tiêu khủng bố từ các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông có thực sự khả thi mà không cần cơ sở tình báo trên mặt đất? Và liệu sự rút lui của Mỹ có để lại khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc và Nga khai thác?

ĐỐI PHÓ NGA, TRUNG QUỐC

Nhìn lại một năm không thể chông gai hơn của Tổng thống Mỹ Biden - 4

Mỹ, Anh và Australia đã ký thỏa thuận AUKUS nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao được cho là nhằm đối phó Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ông Biden nhậm chức với lời hứa về khôi phục hình ảnh và vị thế của Mỹ trên toàn cầu. Để làm điều đó, ông đã đảo ngược nhiều chính sách của ông Trump, bao gồm việc quay lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tăng cường can dự với các thiết chế đa phương như ASEAN.

Ngoài ra, Washington cũng tập trung xây dựng và củng cố các liên minh nhỏ hơn, bao gồm Bộ Tứ (Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) và AUKUS (Mỹ, Anh và Australia). Bộ Tứ đã được sử dụng làm động cơ để đảm bảo an ninh và phân phối vaccine ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. AUKUS là nhóm mới được thành lập để cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Canberra. Cả hai nhóm này đều được xem là cách để Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông, đã giúp Mỹ củng cố các mối quan hệ đồng minh ở châu Á. Các căng thẳng dồn dập trên Biển Đông đã chấm dứt tuần trăng mật giữa tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, buộc Manila phải quay trở lại thỏa thuận an ninh dài hạn với Washington mà họ từng tìm cách từ bỏ. Và mối quan hệ kiểu "ve vãn" kéo dài hàng thập kỷ giữa Washington và New Delhi có vẻ như đang tiến tới một điều gì đó cụ thể, quyết liệt hơn khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng lực lượng gần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.

Song trọng tâm đối ngoại không chỉ giới hạn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi Nga được cho là điều động hơn 100.000 quân đến khu vực biên giới với Ukraine, chính quyền Biden thường xuyên tiếp xúc với nhóm gọi là "Bucharest Nine", các quốc gia thuộc Liên Xô cũ bao gồm Ba Lan và Romania (nơi Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa). Chính quyền Mỹ thậm chí còn cam kết bổ sung thêm binh sĩ cho sườn phía đông của NATO.

Việc Nga đưa quân đến gần Ukraine được coi là bài kiểm tra chính sách đối ngoại đầu tiên của ông Biden vào đầu năm 2022. Giờ đây, câu chuyện trở thành một cuộc đua địa chính trị giữa Nga và các nước phương Tây và ông Biden sẽ phải đau đầu tìm cách giải bài toán này.

LẠM PHÁT CAO NHẤT TRONG 39 NĂM

Nhìn lại một năm không thể chông gai hơn của Tổng thống Mỹ Biden - 5

Một phụ nữ mua sắm trong siêu thị (Ảnh minh họa: Los Angeles Times).

Trong năm qua, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 6,4 triệu việc làm, một kỷ lục kể từ khi đất nước bắt đầu hồi phục sau đại dịch. Mỹ đã khôi phục được gần 84% số việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch bùng phát, Bộ Lao động cho biết vào tháng 12.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã tăng kỷ lục trong năm qua và mức lương trong một số ngành dịch vụ đã tăng dần, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Song theo các cuộc thăm dò dư luận, giá tiêu dùng tăng cao kết hợp với tình trạng khan hiếm hàng hóa đã làm giảm niềm tin vào khả năng chèo lái nền kinh tế của ông Biden. Một phân tích của Real Clear Politics về các cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 30/11 đến ngày 4/1 cho thấy trung bình 56% người Mỹ không tán thành cách điều hành kinh tế của ông Biden.

Trong tuần đầu tiên ông Biden tại vị, tỷ lệ không tán thành trong các cuộc thăm dò mà Real Clear Politics phân tích trung bình là 36%.

Theo hãng tin Bloomberg, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong năm 2021 tăng vọt lên mức 7%, con số cao nhất trong giai đoạn 12 tháng kể từ tháng 6/1982. Cơn bão lạm phát đang ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người Mỹ, khiến họ phải đắn đo trong từng khoản chi tiêu.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng đại dịch đã phơi bày những vấn đề lâu dài đối với việc phân phối hàng hóa quốc tế. Họ lưu ý rằng sự lan rộng của biến chủng Delta trên toàn thế giới đã dẫn đến việc các cảng lớn ngừng hoạt động, làm chậm trễ việc vận chuyển hàng hóa.

Các quan chức bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng chỉ số lạm phát cao chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần khi các doanh nghiệp tăng cường sản xuất.

Đông Phong