1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Công cụ mới của Mỹ đối phó Trung Quốc dưới thời Biden

Thanh Thành

(Dân trí) - Để đối phó Trung Quốc trên biển, lực lượng Cảnh sát biển Mỹ đang đảm nhận những nhiệm vụ mà Hải quân nước này bị hạn chế.

Công cụ mới của Mỹ đối phó Trung Quốc dưới thời Biden - 1

Tàu tuần duyên Munro với tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng 8/2021 (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Theo Business Insider, để cạnh tranh với Trung Quốc, Lầu Năm Góc đã dồn nhiều nguồn lực hơn đến châu Á - Thái Bình Dương, nhưng sự hiện diện quân sự rõ ràng nhất của Mỹ có thể là một lực lượng nằm ngoài Bộ Quốc phòng.

Theo đó, Cảnh sát biển thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS) giờ đây là một nhân tố quan trọng vì có thể thực hiện các nhiệm vụ mà các lực lượng quân sự không được phép thực hiện.

Các tàu và nhân viên của lực lượng này đang dành nhiều thời gian hơn cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương để thực hiện các sứ mệnh mà các ngành khác không phù hợp, cân bằng nhu cầu ngày càng tăng của Washington.

"Những gì chúng tôi làm, nó không lớn về số lượng, nhưng tôi nghĩ nó đóng góp khá lớn. Chúng tôi có quyền tiếp cận. Chúng tôi có thể đi nhiều nơi", Đô đốc Karl Schultz, chỉ huy của Cảnh sát biển, cho biết tại một sự kiện của Liên đoàn Hải quân ở tháng 12/2021.

Đô đốc Schultz đã điều tàu tuần duyên Munro đến Ấn Độ - Thái Bình Dương và hồi tháng 10/2021, tàu này đã trở về sau đợt triển khai 102 ngày ở khu vực này. Ông Schultz cho biết Munro đã huấn luyện với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời "thực hiện" một biên bản ghi nhớ với đảo Đài Loan (Trung Quốc). Munro cũng đi qua eo biển Đài Loan, giống những lần quá cảnh trước đây, động thái khiến Trung Quốc chỉ trích.

Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ đã hiện diện lâu đời ở Thái Bình Dương. Hoạt Động Viễn Đông, một trong hai Bộ tư lệnh Cảnh sát biển ở nước ngoài, được thành lập ở Nhật Bản cách đây 70 năm. Các tàu của họ đã tuần tra quanh lãnh thổ Mỹ và các quốc gia Thái Bình Dương khác trong thời gian dài hơn nữa.

"Cảnh sát biển Mỹ đã có hơn 150 năm phục vụ ở khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi rất tự hào về điều đó", Phó đô đốc Michael McAllister, chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Cảnh sát biển Mỹ, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 9/2021.

Lực lượng Hải quân đã dẫn đầu các nỗ lực quân sự gần đây của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc trong khu vực, và Hạm đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản đã kiểm soát tàu Munro trong quá trình triển khai.

Các quan chức Hải quân đã làm việc với Cảnh sát biển và những người khác để lên kế hoạch cho tàu Munro và "kết hợp các mục tiêu hoạt động có chủ ý, các mục tiêu và ưu tiên", Trung úy Mark Langford, người phát ngôn của Hạm đội 7, nói với trang tin Business Insider vào tháng 9/2021.

Trong số các nhiệm vụ độc đáo của lực lượng này là tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó với môi trường biển và hỗ trợ nhân đạo.

"Thành thật mà nói, đó là những nhiệm vụ khác với Hải quân Mỹ hoặc các dịch vụ quân sự mà Mỹ giải quyết ở đây", McAllister nói vào tháng /20219 đồng thời gọi cảnh sát biển là "lực lượng bổ sung" cho khả năng phòng thủ của Hải quân Mỹ.

Chính các nhiệm vụ đó đã làm mới các hoạt động phù hợp của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Trong đó, việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp là một mối quan tâm lớn, đặc biệt là hoạt động của đội tàu đánh cá nước ngoài của Trung Quốc, và Cảnh sát biển Mỹ đang tăng cường nỗ lực giúp các nước trong khu vực.

Vào tháng 12/2020, lực lượng này đã giúp Palau bắt giữ một tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Palau.

Cảnh sát biển Mỹ cũng điều 3 tàu tuần duyên mới đến đảo Guam vào mùa hè năm 2021 và đổi tên tiền đồn ở đó thành Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Micronesia tại Guam.

Phạm vi tiếp cận không chỉ giới hạn ở các quốc đảo nhỏ. Tàu tuần duyên Munro đã huấn luyện cùng với Philippines, Indonesia và tiến hành đợt bổ sung trên biển đầu tiên cho quân đội Nhật Bản.

Các quan chức và cựu quan chức Mỹ đã khen ngợi Cảnh sát biển, với trách nhiệm và cách ứng xử của mình, được xem là một hình mẫu cho khu vực và như một đối tác rất được săn đón.

"Khi xuất hiện, chúng tôi được chào đón với vòng tay rộng mở vì sứ mệnh đặt ra là rất quan trọng đối với những quốc gia này và chúng tôi muốn trở thành đối tác tốt của họ", Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, từng nói hồi tháng 9/2021.

Công cụ cực kỳ quan trọng dưới thời Biden

Theo ông Schultz , vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Mỹ đặc biệt được nâng cao dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

"Lực lượng Cảnh sát biển là một công cụ cực kỳ quan trọng, một công cụ mà chúng tôi đang tìm kiếm để xem liệu có cách nào để mở rộng sự hiện diện và mức độ can dự ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Edgard Kagan, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. "Làm thế nào để mở rộng một tổ chức gồm 42.000 thành viên hoạt động trên toàn cầu? Chúng ta phải thực hiện theo từng đợt", ông Schultz nói vào tháng 12/2021.

Nhu cầu mở rộng gia tăng đó đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu cảnh sát biển có nhận được đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu hay không. Ông nói: "Nếu chúng ta muốn nghiêm túc coi Cảnh sát biển như một công cụ để can dự quốc tế, thì chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa để công cụ đó luôn khả dụng", ông Schriver nói với Business Insider.