Nước Nga - thách thức đối ngoại lớn nhất đối với ông Trump?
(Dân trí) - Việc xử lý các vấn đề gai góc trong quan hệ với Nga như kiểm soát vũ khí hạt nhân, mở rộng NATO hay trừng phạt kinh tế sẽ là những thách thức đối ngoại rất to lớn đối với chính quyền Donald Trump.
Cho đến trước thời điểm Tổng thống Donald Trump đưa ra những tuyên bố mạnh bạo và đầy bất ngờ trên các phương tiện truyền thông về đề xuất mua lại đảo Greenland của Đan Mạch cũng như thúc ép Panama trả lại quyền kiểm soát kênh đào cho Washington, hầu hết các suy đoán về chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở nước Mỹ đều xoay quanh cuộc chiến tranh Ukraine.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Một tuyên bố như vậy có vẻ hơi quá đà, ngay cả xét tới cá tính mạnh mẽ của ông.
Tất nhiên, việc thúc đẩy một hiệp định hòa bình giữa Moscow và Kiev sẽ có lợi cho chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như sẽ tạo ra bước đệm giúp chấm dứt cuộc chiến đau thương ở Ukraine.
Thế nhưng, chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng chỉ là bước đầu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới nhằm hàn gắn mối quan hệ kinh tế và địa chiến lược rộng lớn hơn giữa Washington và Moscow.
Kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược
Thực vậy, trên lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân, chính ông Trump là người đã đưa ra quyết định rút Mỹ ra khỏi cả Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp định bầu trời mở.
Hành động này của ông đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng song phương trong lĩnh vực nguy hiểm nhất: vũ khí hạt nhân chiến lược. Quyết định của Trump cũng mở đường cho một diễn biến đáng lo ngại khác liên quan đến vũ khí nguyên tử thời chính quyền Joe Biden, đó là làm suy yếu Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
Tháng 9/1996, Mỹ cùng một số cường quốc khác đã ký CTBT, trong đó cấm cả các cuộc thử nghiệm dưới lòng đất cũng như các cuộc thử nghiệm trên không từng bị cấm bởi hiệp ước năm 1963.
Nga đã phê chuẩn hiệp ước mới, cấm toàn diện các cuộc thử hạt nhân vào tháng 6/2000. Tuy nhiên, một loạt chính quyền Mỹ sau đó, có cả chính quyền do ông Trump và ông Biden đứng đầu, đã từ chối đệ trình tài liệu này lên Thượng viện Mỹ để phê chuẩn.
Ngày càng mất kiên nhẫn với sự chậm trễ của Washington, Moscow bắt đầu đe dọa sẽ hủy bỏ việc phê chuẩn. Chính phủ Nga cuối cùng cũng đã thực hiện lời đe dọa đó vào tháng 11/2023. Mặc dù có thể hiểu được nhưng hành động của Moscow đã làm leo thang thêm căng thẳng với Washington.
Do đó, giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân chính là một ví dụ cụ thể về lý do tại sao chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2 cần phải làm nhiều hơn, chứ không chỉ là giúp chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga.
Đây là một tình huống đáng báo động khi hai quốc gia này đang sở hữu hàng nghìn vũ khí hạt nhân nhưng lại đã xóa bỏ hầu hết các thỏa thuận ngoại giao từng giúp tạo ra một môi trường chiến lược an toàn hơn từ những năm 1980.
Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2 này, ông Trump cần phải chủ động khôi phục những cam kết với Nga để không gây tổn hại đến hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Vấn đề mở rộng NATO và trừng phạt kinh tế
Một bước đi quan trọng khác để cải thiện quan hệ với Nga là Washington cần dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế mà họ đã áp đặt trong nhiều năm qua nhằm trả đũa cho các hành động của Moscow ở Ukraine.
Chính quyền mới của Mỹ cũng cần gây sức ép với các đồng minh châu Âu của mình để chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow mà họ đã áp dụng riêng lẻ hoặc thông qua Liên minh châu Âu.
Việc mở rộng NATO về phía đông do Mỹ và phương Tây thúc đẩy đã tỏ ra phản tác dụng. Việc làm đó chỉ giúp truyền tải thông điệp tới các nhà lãnh đạo Nga rằng phương Tây sẽ không cho phép Moscow có được ngay cả một khu vực an ninh khiêm tốn, chứ chưa nói đến phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn.
Những chính sách đối đầu đó, ở một mức độ nhất định, đã gây tổn hại đến nền kinh tế Nga nhưng Moscow vẫn chống chọi được bằng cách tìm ra nhiều thị trường mới (đặc biệt là với lĩnh vực năng lượng) để thay thế những thị trường đã bị các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt.
Thay vì áp dụng một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn, dù muộn màng trong những tháng cuối cùng tại nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden lại chọn cách áp đặt một vòng trừng phạt mới cũng như cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Vì vậy, để hàn gắn mối quan hệ với Nga, Tổng thống Donald Trump cần bắt đầu một sự thay đổi chính sách toàn diện. Tất nhiên, đây không hề là nhiệm vụ dễ dàng.