Dấu hiệu 2 tội danh vụ hành hung tài xế tại Nam Định

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, căn cứ mức độ tổn hại sức khỏe và ý chí của người bị thiệt hại, có thể xem xét thêm trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

Phạm Ngọc Tuân (45 tuổi, ở Hà Nội) và Phạm Văn Tuyên (43 tuổi, ở Nam Định) đang bị Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, tạm giữ để điều tra hành vi có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng liên quan tới vụ hành hung tài xế gần phà Cồn Nhất chiều 1/2. 

Theo công an, xuất phát từ mâu thuẫn khi tham gia giao thông chiều 1/2 với anh Vũ Đức Thuận (38 tuổi, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) tại khu vực xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy), Tuân đã điều khiển xe chặn đầu xe của anh Thuận và gọi Tuyên cùng Phạm Văn Thùy (43 tuổi, ở huyện Giao Thủy) tới giải quyết. 

Trong lúc đôi bên lời qua tiếng lại, Tuyên và Thùy luồn tay vào mở kính chắn gió bên lái của ô tô, níu cửa kính lái xe xuống rồi dùng tay tấn công anh Thuận và những người trên xe. Tiếp đó, Tuyên luồn 2 chân qua cửa kính lái và dùng chân đạp anh Thuận. Khi lái xe đóng chặt cửa xe, Tuyên và Thùy lên xe về nhà còn Tuân điều khiển ô tô lên Hà Nội. Một ngày sau, Tuân và Tuyên bị Công an huyện Giao Thủy ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. 

Với diễn biến hành vi như trên, 3 người này có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật? 

Dấu hiệu 2 tội danh vụ hành hung tài xế tại Nam Định - 1

Người đàn ông mặc áo khoác đen luồn 2 chân qua cửa kính lái, dùng chân đạp liên tiếp vào tài xế ô tô và những người trong xe (Ảnh: Cắt từ video).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành vi của những người trên thể hiện sự hung hăng, côn đồ, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự tại địa phương. Việc Công an huyện Giao Thủy nhanh chóng tạm giữ Tuân và Tuyên là động thái tố tụng cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm những hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật và đảm bảo trị an trên địa bàn. 

Dưới góc độ pháp lý, dựa trên dữ liệu hiện có, cơ quan công an sẽ tập trung làm rõ 2 nhóm hành vi của các đối tượng tương ứng với 2 khách thể bị xâm phạm theo quy định của pháp luật như sau: 

Thứ nhất, do đây là các hành vi được thực hiện nơi công cộng, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực về đạo đức ứng xử khi tham gia giao thông; gây ảnh hưởng, làm cản trở các hoạt động thường nhật của nhiều người và gây phẫn nộ, bất bình trong xã hội, cơ quan điều tra sẽ tập trung đánh giá, củng cố tài liệu để làm rõ hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu bị quy kết phạm tội, với việc thực hiện hành vi thuộc tình tiết có tổ chức, người vi phạm có thể bị áp dụng khung hình phạt theo khoản 2 Điều này là 2-7 năm tù. 

Dấu hiệu 2 tội danh vụ hành hung tài xế tại Nam Định - 2

Người đàn ông luồn chân qua kính để đạp tài xế ô tô (Ảnh cắt từ clip).

Thứ hai, ngoài xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội, hành vi của 3 người đàn ông còn trực tiếp xâm phạm tới sức khỏe của người khác. Do đó, ngoài tội Gây rối trật tự công cộng, cơ quan công an sẽ đồng thời làm rõ hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với tội danh này, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là mức độ thương tật của nạn nhân cũng như tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Do đó, để có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự, cơ quan công an sẽ đưa anh Thuận đi giám định thương tật, đồng thời đánh giá hành vi của nhóm đối tượng có thuộc các tình tiết định khung như có tính chất côn đồ hay phạm tội có tổ chức hay không. 

Trong trường hợp nạn nhân xuất hiện thương tật ở mức từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng hành vi được xác định có tính chất côn đồ hoặc phạm tội có tổ chức và nạn nhân có đơn đề nghị khởi tố, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định. 

Khung hình phạt cơ bản có thể áp dụng đối với trường hợp này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài các mức phạt nêu trên, trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ đánh giá về những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ (nếu có) theo các Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp người vi phạm có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên theo Điều 51 và không có thêm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52, Tòa án có thể căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét đưa ra mức án dưới khung hình phạt mà người vi phạm có thể bị truy tố.