Hé lộ đòn bẩy của Tổng thống Trump để chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch gây sức ép với cả Ukraine và Nga để đạt được hòa bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine, cho biết ông Trump có kế hoạch sử dụng đòn bẩy đối với cả Nga và Ukraine để giúp chấm dứt xung đột và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.
"Đây là vấn đề mà chúng tôi đang xem xét thảo luận. Làm thế nào để chúng tôi gây áp lực, không chỉ đối với Nga mà còn đối với Ukraine? Chúng tôi sẽ trao cho họ cả động lực và áp lực. Điều này tạo cho tổng thống Mỹ đòn bẩy để hoàn thành điều đó và đó là những gì chúng tôi đang làm", ông Kellogg nói.
Đặc phái viên xác nhận chính quyền Trump đang cân nhắc nhiều chiến lược khác nhau để tác động đến cả hai bên trong cuộc xung đột.
"Hầu hết mọi người sẽ hài lòng với thực tế rằng ông Trump biết chính xác những gì ông đang làm. Ông biết nên gây áp lực ở đâu, không nên gây áp lực ở đâu, nhưng quan trọng hơn, ông sẽ tạo ra đòn bẩy và đòn bẩy với cả Ukraine và Nga", đặc phái viên của chính quyền Trump nhấn mạnh.
Ông Kellogg nhấn mạnh Tổng thống Trump có kỹ năng đàm phán và tự tin vào khả năng đạt được thỏa thuận giữa các bên.
Trước đó, ông Kellogg cùng với một số quan chức từng phác thảo một kế hoạch hòa bình, bao gồm việc đóng băng tiền tuyến ở Ukraine, tạm ngừng đàm phán cơ hội Ukraine gia nhập NATO trong một thời gian dài, đồng thời dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga.
Theo đề xuất của ông Kellogg, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev để ngăn chặn Nga triển khai những chiến dịch tương tự sau này.
Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11/2024, ông Trump và đội ngũ của mình đã đưa ra những thông tin không đồng nhất về việc liệu các đề xuất hòa bình tiềm năng của họ có đem lại lợi ích cho Ukraine hay không.
Dựa trên các tuyên bố công khai, có thể thấy ông Trump và các trợ lý nhận thức rõ sự phức tạp của cuộc xung đột và sửa đổi mốc thời gian mục tiêu để đạt được thỏa thuận hòa bình. Trước đó, ông Trump tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ, nhưng hiện nay, ông thừa nhận phải mất vài tháng.
Chính quyền Trump gần đây đã ra tín hiệu rằng các lệnh trừng phạt đang là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đàm phán của Mỹ với Nga.
Tuần trước, Tổng thống Trump dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nếu Moscow từ chối chấp nhận một "thỏa thuận" để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định "không muốn làm tổn hại đến Nga".
Đầu tháng này, hãng tin Bloomberg cho biết chính quyền Trump đã bắt đầu hình thành chiến lược trừng phạt và có thể sẽ áp dụng một trong hai cách tiếp cận: hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà sản xuất dầu của Nga để khuyến khích đàm phán hoặc mở rộng đáng kể các lệnh trừng phạt để tăng áp lực.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, khi được hỏi về ý định của đặc phái viên Kellogg nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 100 ngày, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh đến quyết tâm của Tổng thống Trump.
"Các lệnh trừng phạt toàn diện sẽ giúp chúng ta. Sự ủng hộ mạnh mẽ cho quân đội của chúng ta, mà không chấm dứt viện trợ, sẽ rất quan trọng. Tôi tin rằng áp lực thông qua nhiều biện pháp khác nhau là cần thiết: hạ giá năng lượng, áp đặt lệnh trừng phạt không chỉ đối với ngành năng lượng và công nghiệp của Nga mà còn đối với hệ thống ngân hàng của nước này, buộc Nga phải nhượng bộ và hướng tới một giải pháp ngoại giao. Đây là những bước đi cấp bách và quan trọng nhất", ông Zelensky nói thêm.
Nga cho đến nay vẫn nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự chỉ có thể chấm dứt nếu Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, đồng thời cũng công nhận "thực tế" về lãnh thổ.
Trong khi đó, công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề cập đến việc trừng phạt Nga, rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trả tự do cho tất cả tù binh và người bị trục xuất.