Mỹ ra "tối hậu thư" cho Panama
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo Tổng thống Panama về ảnh hưởng của Trung Quốc tại kênh đào Panama.
Ngày 2/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã cảnh báo Tổng thống Panama Jose Raul Mulin rằng Washington sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết" nếu Panama không ngay lập tức thực hiện các bước để chấm dứt điều mà Tổng thống Donald Trump coi là ảnh hưởng và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với kênh đào Panama.
Sau cuộc hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Panama City, ông Mulino cho biết sẽ xem xét lại các thỏa thuận liên quan đến Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời công bố sự hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ về vấn đề di cư. Tuy nhiên, ông tái khẳng định rằng chủ quyền của Panama đối với tuyến đường thủy bận rộn thứ 2 thế giới này không phải là vấn đề đem ra thảo luận.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce, ông Rubio đã truyền đạt thông điệp từ Tổng thống Trump rằng sự hiện diện của Trung Quốc, thông qua một công ty có trụ sở tại Hong Kong điều hành 2 cảng gần lối vào của kênh đào, là mối đe dọa đối với tuyến đường thủy này và vi phạm hiệp ước giữa Mỹ và Panama.
"Bộ trưởng Rubio nhấn mạnh rằng tình trạng hiện tại là không thể chấp nhận được và nếu Panama không có sự thay đổi ngay lập tức, Mỹ sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình theo hiệp ước", bà Bruce cho biết.
Ông Rubio không nêu rõ chính xác các bước mà Panama phải thực hiện hoặc các biện pháp trả đũa của Mỹ sẽ như thế nào.
Kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ tìm cách kiểm soát kênh đào Panama, công trình do Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và bàn giao cho Panama vào năm 1999, với cáo buộc kênh đào này đang bị Bắc Kinh vận hành. Ông Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự đối với Panama, điều đã vấp phải sự chỉ trích từ cả các đồng minh và đối thủ của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.
Ông Rubio, người từng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi làm thượng nghị sĩ, tuần trước cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các cảng để đóng cửa kênh đào, một tuyến đường quan trọng cho hoạt động vận chuyển của Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa 2 cường quốc.
Ông Mulino cho biết cuộc gặp với ông Rubio diễn ra trong không khí tôn trọng và thân thiện. Ông bày tỏ sự sẵn sàng xem xét lại một số hoạt động kinh doanh của Trung Quốc tại Panama, bao gồm cả hợp đồng nhượng quyền kéo dài 25 năm quan trọng với công ty CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong, được gia hạn vào năm 2021 để vận hành các cảng ở cả 2 đầu của kênh đào, tùy thuộc vào kết quả của một cuộc kiểm toán.
Hợp đồng này đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các nhà lập pháp và chính phủ Mỹ, khi họ cho rằng đây là một ví dụ điển hình cho sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Panama, đi ngược lại hiệp ước trung lập đã được ký kết giữa hai nước vào năm 1977.
Chính phủ Panama và một số chuyên gia bác bỏ nhận định này, chủ yếu vì các cảng không thuộc phạm vi hoạt động của kênh đào. Kênh đào Panama được điều hành bởi Cơ quan kênh đào Panama, một cơ quan tự trị dưới sự giám sát của chính phủ Panama.
Trung Quốc phản bác
Trung Quốc tuyên bố họ không tham gia vào việc vận hành kênh đào và tôn trọng chủ quyền cũng như sự độc lập của Panama đối với tuyến đường thủy này.
"Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, cho biết khi được hỏi về cáo buộc của Mỹ vào tháng trước, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc công nhận kênh đào là "một tuyến đường thủy quốc tế vĩnh viễn trung lập."
Ông Rubio đang thực hiện chuyến công du Trung Mỹ và Caribê lần đầu tiên trên cương vị mới, nhằm tái định hướng ngoại giao của Mỹ tại Tây Bán cầu, một phần để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc hạn chế làn sóng di cư về phía biên giới phía nam nước Mỹ.
Chuyến thăm cũng phản ánh mong muốn của Mỹ trong việc đối phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh.