(Dân trí) - Chiến sự Nga - Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hậu cần, vốn được ví như "huyết mạch" của mỗi bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
NGA - UKRAINE CÂN NÃO GIỮ "HUYẾT MẠCH" CỦA CUỘC CHIẾN TIÊU HAO
Chiến sự Nga - Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hậu cần, vốn được ví như "huyết mạch" của mỗi bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Từ cổ chí kim, các nhà chiến lược quân sự đã nhiều lần nhắc tới hoạt động hậu cần như là một phần quan trọng hàng đầu trong mọi cuộc giao tranh.
Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Vũ từng viết: "Quân đội không có trang bị nặng ắt thua, không có lương thảo ắt chết, không có vật tư ắt khó sống".
Trong khi đó, cựu Tướng Mỹ Omar Bradley từng nói trong Thế chiến II rằng: "Những người nghiệp dư chỉ nói về chiến thuật và chiến lược. Những người chuyên nghiệp bàn về hoạt động hậu cần".
Chiến sự Nga - Ukraine đang đặt cả 2 bên vào tình thế cân não, nhằm xử lý những thách thức ngày càng lớn về hậu cần trong một cuộc chiến tiêu hao.
"Huyết mạch" của mọi cuộc chiến
Trong một bài viết của Viện Chiến tranh hiện đại thuộc Học viện quân sự West Point (Mỹ), các chuyên gia Michael Hugos, Edward Salo, Ryan Kuhns và Ben Hazen nhận định, hậu cần là một thành tố quan trọng của chiến sự và chiến tranh hiện đại phụ thuộc vào chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm kết nối cơ sở công nghiệp quốc phòng với các binh sĩ trên tiền tuyến.
Trong các cuộc giao tranh, các bên đều rất cần được cung cấp lượng lớn quân tư trang, vũ khí, đạn dược, lương thực để duy trì chiến sự. Theo các chuyên gia, chiến sự Nga - Ukraine đã mang tới các bài học quan trọng về hoạt động thử nghiệm, khắc phục, xây dựng các chiến lược trong khu vực "hậu cần đối đầu".
"Hậu cần đối đầu" được định nghĩa là môi trường trong đó các lực lượng vũ trang tham gia xung đột liên tục gây ra các thách thức cho đối phương trong mọi lĩnh vực, và nhắm trực tiếp vào các hoạt động, cơ sở và hậu cần lẫn nhau.
Mô hình chuỗi cung ứng hậu cần có 4 thành tố chính: Thứ nhất là sản phẩm - các mặt hàng, vũ khí mà quân đội cần để duy trì chiến sự. Thứ hai là cơ sở - nơi tổ chức hoạt động sản xuất, cất trữ sản phẩm. Thứ ba là phương tiện - cơ chế để di chuyển sản phẩm giữa các cơ sở. Cuối cùng là lộ trình - tuyến đường mà phương tiện sử dụng để chuyển sản phẩm.
Đây là 4 mắt xích quan trọng không thể tách rời nhau, thiếu bất cứ một mắt xích nào cũng có thể khiến cho một đội quân trả giá đắt trên thực địa.
Trong bài viết đăng trên trang Nghiên cứu quân sự Bắc Âu, các tác giả Per Skoglund, Per Skoglund, Tore Listou và Thomas Ekström nêu ra 2 trường phái hậu cần khác nhau giữa phương Tây và Nga.
Theo phương Tây, hoạt động hậu cần hậu cần được tiến hành ở các cấp độ chiến lược, tác chiến và chiến thuật. Ở cấp độ chiến lược, hậu cần liên quan đến các quyết định nhằm đảm bảo đủ năng lực công nghiệp quốc gia để sản xuất đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang, sự chuẩn bị của một nước và khả năng của nước đó nhằm tiếp cận các nguồn lực chiến lược từ các quốc gia khác.
Trong khi đó, hậu cần tác chiến và chiến thuật liên quan tới việc xây dựng mạng lưới tiếp viện để duy trì nguồn lực cho quân đội trên chiến trường. Hoạt động hậu cần lúc này cần đảm bảo cung cấp đúng nơi, đúng lúc và đúng loại để trở nên hữu ích. Lên kế hoạch hậu cần là hoạt động có tính chất "cân não", đòi hỏi nhà hoạch định phải có cái nhìn toàn cảnh để duy trì nhịp độ hậu cần mà không làm gián đoạn chiến sự.
Theo học thuyết của phương Tây, các cơ sở sản xuất sẽ chuyển khí tài, nhiên liệu, thiết bị tới một trung tâm hậu cần chính, từ đó sẽ đi tới các trung tâm hậu cần thứ cấp và các tuyến vận tải chiến thuật để tới chiến trường.
Trong khi đó, chiến thuật hậu cần của Nga được kế thừa từ Liên Xô và đã có nâng cấp trong những năm qua. Trong thời kỳ Liên Xô, học thuyết tấn công dựa trên nguyên tắc cấp bậc, tức là cấp này chiến đấu thì cấp sau sẽ sẵn sàng triển khai ra tiền tuyến. Sau khi được thay thế, cấp đầu tiên sẽ tổ chức lại về nhân sự, thiết bị, khí tài và vật tư để sẵn sàng chiến đấu trở lại. Hoạt động hậu cần dựa trên các lữ đoàn hỗ trợ MTS - đơn vị sẽ phụ trách việc tiếp tế cho các cấp chiến đấu. Tuyến vận tải chủ yếu là hệ thống đường sắt; nhiên liệu và nước được dẫn qua các đường ống. Các lữ đoàn MTS bao gồm các đơn vị xây dựng và bảo trì đường sắt và đường ống để hỗ trợ các lực lượng hành quân về phía trước.
Tuy nhiên, nước Nga lúc này không duy trì một lực lượng nhiều cấp cho một cuộc chiến kéo dài, điều đó có nghĩa là các lực lượng được triển khai chiến đấu không có cấp thứ hai. Nga cũng đồng thời hiện đại hóa quá trình tiếp tế hậu cần từ Liên Xô bằng một hệ thống gọn nhẹ hơn. Mặc dù vậy, kế hoạch quân sự của Nga tuân theo một cấu trúc thứ bậc nghiêm ngặt, từ trên xuống. Chỉ huy lực lượng chọn kế hoạch hành động. Việc lập kế hoạch hậu cần thường tuân theo các nguyên tắc được xác định trước, các kịch bản với tính toán mức tiêu thụ đạn dược, tiêu hao vật tư. Do đó, hậu cần ở cấp tập đoàn quân và lữ đoàn được tiêu chuẩn hóa và phần lớn tuân theo các nguyên tắc giống trong thời kỳ Xô Viết.
Trước những biến động trên chiến trường, rất khó để vạch ra kịch bản hậu cần chính xác tuyệt đối. Khi đó, khả năng hậu cần không được cung cấp đủ, đúng thời điểm có thể xảy ra. Mặt khác, nếu hoạt động lên kế hoạch vượt trên diễn thực tế, nguy cơ xảy ra tắc nghẽn hậu cần cũng có thể ra và làm đầy kho dự trữ, trong khi ở nơi khác có thể bị thiếu vũ khí, vật tư.
Thách thức của Nga
Theo giới chuyên gia, ngay từ đầu cuộc chiến từ tháng 2/2022, Nga dường như đã đối mặt với vấn đề hậu cần khiến kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh ban đầu của họ không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Chuyên gia Per Skoglund từ đại học Quốc phòng Thụy Điển nhận định, những sự chuẩn bị chưa đầy đủ về hậu cần đã khiến Nga phải rút quân khỏi Kiev vài tuần sau khi tiến hành bao vây khu vực thủ đô của Ukraine.
Theo ông Skoglund, Nga dường như ban đầu chỉ dự định tiến hành chiến dịch quân sự trong thời gian ngắn và lực lượng của họ chỉ chuẩn bị kế hoạch hậu cần đáp ứng theo phương án đó. Mục tiêu của Nga có thể là giành lấy sân bay Antonov ở ngoại ô Kiev để xây dựng căn cứ hậu cần cho tới khi họ có thể đưa hàng tiếp tế vào bằng đường sắt.
Tuy nhiên, kế hoạch trên của Nga không được như kỳ vọng khi Ukraine đã giành lại được quyền kiểm soát sân bay Antonov sau vài ngày. Lúc này, các đơn vị chiến đấu của Nga ở khu vực Kiev đối diện với việc thiếu nguồn lực hậu cần. Hàng xe dài hàng chục km đứng yên một chỗ xung quanh Kiev dường như là do kế hoạch kiểm soát sân bay Antonov bất thành kéo theo các diễn biến trong kế hoạch bị lệch nhịp.
Một số báo cáo trên chiến trường vào thời điểm đó cho thấy, binh sĩ Nga bố trí quanh Kiev dường như đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, đồ ăn, nước uống và thiết bị. Kết quả là Nga đã phải rút khỏi khu vực Kiev vào tháng 3/2022.
Mặt khác, như một di sản thừa hưởng từ Liên Xô, Nga vẫn duy trì hoạt động tiếp tế bằng đoàn tàu hàng, dựa trên mạng lưới đường sắt dày đặc và Ukraine dường như đã hiểu được điều này.
"Phía Ukraine đã phá hủy thành công nhiều tuyến đường sắt, gây khó khăn cho các lữ đoàn hậu cần Nga trong việc hỗ trợ các đơn vị của họ", ông Skoglund cho hay.
Vấn đề tuyến đường tiếp tế hậu cần tiếp tục đặt Nga vào thách thức ở Kherson vào mùa thu năm ngoái. Sự xuất hiện của hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS và chiến lược tấn công có chọn lọc của Ukraine đã góp phần khiến Nga phải rút quân khỏi thành phố Kherson chiến lược.
Ukraine sử dụng HIMARS để phá hủy gần như tất cả các cây cầu lớn do Nga kiểm soát ở khu vực phía nam Kherson, giúp cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự và nhân lực quan trọng từ Crimea. Ukraine cũng đã sử dụng vũ khí này tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng của Nga như kho đạn, tuyến đường hậu cần, tiếp tế quan trọng trên tiền tuyến và gây thiệt hại lớn.
Các chuyên gia lưu ý rằng, quân đội Ukraine tiếp tục tấn công các cây cầu ngay khi phía Nga tìm cách sửa chữa chúng, nhắm mục tiêu vào các thiết bị sửa chữa cũng như các con đường cho đến khi Moscow gặp khó khăn trong việc sữa chữa, và tiếp tế hậu cần.
Các lực lượng Nga cũng đã cố gắng xây dựng một cây cầu phao bên dưới cầu Antonivskiy để giảm thiểu thiệt hại, nhưng quân đội Ukraine cũng nhắm vào mục tiêu này, khiến phía Moscow từ bỏ phương án này.
Cuối cùng, do không thể tiếp tục bám trụ ở thành phố Kherson vì thiếu đi nguồn tiếp tế hậu cần, Nga đã quyết định rút khỏi khu vực này. Đây là ví dụ điển hình cho thấy việc tấn công vào hệ thống hậu cần đã giúp cho một lực lượng có tiềm lực yếu hơn như Ukraine có thể lật ngược thế cờ trước Nga mà không chịu thiệt hại quá lớn.
Theo chuyên gia Skoglund, một trong những vấn đề mà Nga đối mặt chính là cách họ lên kế hoạch hậu cần. Nga thường vạch ra kế hoạch lớn trước rồi dựa vào đó để chuẩn bị theo từng cấp. Tuy nhiên, điều này dường như không phù hợp khi Nga phải đưa quân và nguồn lực tới một chiến trường nơi họ chưa có sẵn mạng lưới tiếp viện hoàn chỉnh.
Chiến sự luôn luôn thay đổi và việc lên kế hoạch từ trên xuống dưới khiến cho họ thiếu đi sự linh hoạt cần thiết trên chiến trường để ứng phó với những diễn biến khó lường. Mỗi sự điều chỉnh về kế hoạch hậu cần đều cần các cấp ở trên cao thông qua theo từng bước khiến tốc độ phản ứng với nhịp độ chiến đấu bị chậm lại, theo ông Skoglund.
Mặt khác, những vấn đề nêu trên hiện mới chỉ nằm ở khâu phân phối, đưa vật tư, vũ khí tới các khu vực tiền tuyến. Sau hơn một năm chiến sự, Nga cũng đối mặt thách thức về sản xuất hậu cần.
Hơn 10.000 lệnh trừng phạt, cùng các biện pháp bao vây cấm vận đã tác động mạnh tới ngành công nghiệp vũ khí Nga. Nga đang tăng tốc sản xuất và tìm phương án thay thế linh kiện mà trước đây họ thường phải nhập của phương Tây. Những thách thức về kinh tế khi bị phương Tây trừng phạt có thể gây ra tác động lâu dài tới hoạt động sản xuất vật tư, hậu cần của Nga. Nếu chiến sự càng kéo dài, Nga sẽ càng đối mặt với những thách thức lớn hơn để đảm bảo duy trì nỗ lực tiếp tế cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài dọc theo hơn 1.000km tiền tuyến.
Thách thức của Ukraine
Trong cuộc chiến tiêu hao, cả Nga và Ukraine đều đối mặt với bài toán khó về hậu cần.
Năng lực sản xuất quốc phòng của Ukraine gần như đã sụt giảm nghiêm trọng vì các đòn tập kích liên tục của Nga vào các cơ sở sản xuất vũ khí của đối phương trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Nga tấn công vào lưới điện của Ukraine trong suốt nhiều tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay khiến quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng để duy trì các hoạt động dân sự cũng như các hoạt động sản xuất công nghiệp. Vì vậy, Ukraine giờ đây gần như phải phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí phương Tây để duy trì năng lực hậu cần.
Điều này đặt ra các vấn đề hóc búa cho Ukraine. Nguồn lực của phương Tây là có giới hạn và một số nước đã có dấu hiệu cạn kiệt nguồn cung để chuyển tiếp cho Ukraine. Câu hỏi đặt ra là, Ukraine sẽ lấy nguồn lực ở đâu để tiếp tục cuộc chiến tiêu hao nếu chiến sự kéo dài hơn nữa? Giới chức và các chuyên gia phương Tây trước đó nhận định, cuộc chiến với Nga dường như khó có thể khép lại trong năm nay. Điều này dồn lên Ukraine thêm áp lực rằng họ phải đạt được thành tựu trên chiến trường để củng cố niềm tin cho phương Tây rằng họ có thể thắng Nga nếu được tiếp tục viện trợ.
Vì vậy, Ukraine dường như không còn lựa chọn nào khác là họ buộc phải phản công trong thời gian tới. Nhưng đây là nhiệm vụ không dễ dàng.
Theo chuyên gia quân sự David Axe, việc xuyên qua phòng tuyến của Nga không phải là điều dễ, cho thấy thách thức không nhỏ của Ukraine khi chuyển từ chiến thuật phòng thủ sang phản công.
Kể từ mùa thu năm ngoái, Ukraine chủ yếu phòng thủ từ các vị trí kiên cố mà họ chuẩn bị trong nhiều tháng. Để phản công Nga, họ có thể phải rời những vị trí này và chuẩn bị tinh thần cho việc phải chịu thiệt hại, theo Forbes.
Tiến hành một cuộc tấn công lớn luôn là nhiệm vụ có tính rủi ro cao. Xuyên thủng các phòng tuyến kiên cố của đối phương thường gây nhiều tổn thất về lực lượng và khí tài hơn là khi bảo vệ chúng. Theo các chuyên gia quân sự, để chiếm ưu thế, bên tấn công cần phải củng cố nguồn lực mạnh ít nhất gấp 3 lần so với đối phương ở các khu vực chuẩn bị tấn công.
Điều này đặt Ukraine vào một vòng luẩn quẩn. Họ cần phản công thành công để NATO viện trợ thêm các nguồn lực cho các cuộc chiến trong tương lai. Tuy nhiên, họ cũng cần thêm số lượng lớn nguồn cung hậu cần, vũ khí để tổ chức phản công hiệu quả và duy trì ưu thế trước Nga - một cường quốc có năng lực sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới. Bài toán về số lượng đang đặt cho Ukraine những thách thức không nhỏ, khiến họ chưa thể triển khai kế hoạch phản công dù đã ấp ủ trong thời gian dài.
Mặt khác, sự đa dạng của nguồn vũ khí do phương Tây viện trợ một mặt giúp Ukraine cải thiện năng lực tác chiến, mặt khác cũng kéo theo những thách thức nghiêm trọng.
Các chuyên gia Anh và Mỹ cho rằng, nguồn cung vũ khí từ phương Tây đã mang lại hiệu quả phần nào cho Ukraine trong cuộc chiến đối phó Nga. Tuy nhiên, theo họ, việc phương Tây cấp nhiều loại vũ khí khác nhau đang tạo ra "ác mộng hậu cần" cho Ukraine vì "mỗi loại vũ khí đòi hỏi một cách thức huấn luyện vận hành riêng, cách bảo trì và sử dụng hoàn toàn khác nhau".
Ví dụ, chuyên gia Jack Watling từ Viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) ở London (Anh), cho biết, mỗi khẩu đội pháo phương Tây viện trợ cho Ukraine có tầm bắn, cơ cấu nạp đạn, phụ tùng thay thế và yêu cầu bảo dưỡng và hàng loạt khía cạnh khác nhau nữa.
Scott Boston, một chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức RAND có trụ sở ở Mỹ, chỉ ra những thách thức khác mà Ukraine phải đối mặt khi tìm cách vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây. Ông nói, nhiều loại vũ khí ở Ukraine đều có tuổi đời khá cao, thường được sửa chữa bằng những công cụ thô sơ, nhưng với những hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây, mọi chuyện hoàn toàn khác.
Gần đây nhất, phương Tây quyết định viện trợ cho Ukraine các xe tăng chiến đấu chủ lực. Đây là loại vũ khí phức tạp. Phần lớn hiệu quả tác chiến của xe tăng phụ thuộc vào hệ thống máy tính và điện tử tinh vi ở bên trong. Việc duy trì, sửa chữa xe tăng và cung cấp các linh kiện cần thiết đòi hỏi phải được đào tạo chi tiết từ đội ngũ lái xe trở đi. Mỗi xe tăng phương Tây chuyển tới Ukraine đều là sản phẩm của mỗi nhà sản xuất từ Anh, Đức, Mỹ nên chuỗi cung ứng của chúng cũng phụ thuộc vào các nước trên. Việc tu sửa, bảo trì cho tới các linh kiện sẽ không phải lúc nào cũng sẵn có. Vì vậy, phương Tây viện trợ càng nhiều loại khí tài, xe tăng, thì áp lực hậu cần càng đè nặng lên Ukraine.
Chuyên gia Watling kêu gọi, phương Tây nên cố gắng hạn chế số chủng loại khí tài gửi cho Ukraine để đảm bảo Kiev có thể vận hành chúng hiệu quả.
Đức Hoàng
Theo Forbes, National Interest, 19fortyfive