1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện chấm dứt xung đột ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Xung đột ở Ukraine sẽ chấm dứt khi phương Tây ngừng cuộc chiến ủy quyền chống lại Nga, nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết.

Nga nêu điều kiện chấm dứt xung đột ở Ukraine - 1

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya (Ảnh: TASS).

"Tất cả chúng ta đều hy vọng hòa bình. Khi những người đang ủng hộ cuộc xung đột này ngừng cuộc chiến ủy quyền chống lại Nga bằng việc dùng người Ukraine thế thân, khi họ có quan điểm thực tế hơn về những lo ngại mà chúng tôi đã nêu rõ ngay từ đầu, tôi cho rằng triển vọng hòa bình sẽ trở nên rõ ràng hơn", Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya hôm 7/2 cho biết.

Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai khi các cuộc hòa đàm tiếp tục bế tắc. Moscow cho rằng, Mỹ và các đồng minh NATO đang can thiệp ngày càng sâu vào cuộc xung đột với việc liên tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine.

"Mỹ và các quốc gia đồng minh đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột lâu nhất có thể, và để làm được điều này thì họ đã bắt đầu cung cấp những vũ khí tấn công hạng nặng cho Ukraine. Đồng thời, họ cũng khuyến khích các lực lượng vũ trang Kiev giành lại những khu vực do quân đội chúng tôi kiểm soát",  Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 7/2 bình luận.

Ông cũng cảnh báo: "Những động thái này trên thực tế đang dần kéo các quốc gia thành viên NATO vào cuộc xung đột, và điều này có thể dẫn tới sự leo thang ở mức không thể lường trước".

Tuy nhiên, phương Tây nhiều lần bác những chỉ trích này của Moscow, nhấn mạnh những vũ khí cung cấp cho Ukraine chỉ nhằm mục đích giúp Ukraine phòng vệ, không gây ra mối đe dọa tấn công vào Nga.

Nga nêu điều kiện chấm dứt xung đột ở Ukraine - 2

Cục diện toàn chiến trường Ukraine (bên trái) và mặt trận miền Đông (Đồ họa: ISW).

Ukraine tiếp tục kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây đẩy nhanh tốc độ viện trợ khí tài giúp nước này ngăn chặn đà tiến công của Nga, đồng thời để thực hiện chiến dịch phản công, sớm chấm dứt xung đột.

Nói về triển vọng hòa đàm, chấm dứt xung đột, ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, cho biết trước tiên Nga phải đáp ứng những điều kiện của Kiev. Các điều kiện này gồm Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế, bồi thường thiệt hại và cuối cùng là Ukraine có được cam kết an ninh của các bên. Ông nhấn mạnh, Kiev sẽ không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời  Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng, ở hậu trường, giới chức Ukraine đang thảo luận về "kịch bản bán đảo Triều Tiên". Kịch bản này tức là Ukraine nhỏ hơn được Mỹ ủng hộ có thể phát triển ở mức độ như Hàn Quốc trong khi vẫn tuyên bố chủ quyền với "các vùng lãnh thổ bị kiểm soát".

Cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 - 1953 kết thúc với một hiệp định đình chiến. Theo hiệp định này, vĩ tuyến 38 được ấn định là giới tuyến phân chia giữa Hàn Quốc và Triều Tiên với một khu phi quân sự (DMZ) được thiết lập ở biên giới hai bên.

     Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine