1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO nêu cách duy nhất đưa Nga tới bàn đàm phán chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO cảnh báo Nga sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường.

NATO nêu cách duy nhất đưa Nga tới bàn đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP).

"Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống (Vladimir) Putin và các nhà cầm quyền ở Moscow đang chuẩn bị cho hòa bình. Thay vào đó, chúng tôi thấy điều ngược lại. Chúng tôi thấy rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơn, họ đang huy động nhiều binh lính hơn, hơn 200.000 người, và có khả năng còn nhiều hơn thế. Họ cũng đang tích cực mua vũ khí mới, mua nhiều đạn dược hơn, tăng cường sản xuất vũ khí của chính họ, nhưng cũng mua thêm vũ khí từ các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói khi đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc hôm 30/1.

"Trên hết, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã thay đổi mục tiêu tổng thể của chiến dịch quân sự này, đó là kiểm soát một nước láng giềng, kiểm soát Ukraine. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài", ông Stoltenberg nói thêm.

Theo ông Stoltenberg, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường.

"Chúng tôi biết, những gì diễn ra xung quanh chiếc bàn (đàm phán) đó có mối liên hệ chặt chẽ và hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình trên chiến trường. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự muốn Ukraine chiếm ưu thế như một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu, chúng ta cần hỗ trợ họ ngay bây giờ. Hỗ trợ quân sự ngày hôm nay sẽ giúp đạt được thỏa thuận hòa bình vào ngày mai", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Ukraine nhiều lần cảnh báo trong mùa đông rằng, các lực lượng của Nga sẽ chuẩn bị cho cuộc tấn công mới vào năm 2023. Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cũng dự đoán Nga đang chuẩn bị cho một làn sóng tấn công mới vào ngày 24/2 nhân đánh dấu một năm ngày Moscow mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 12 năm ngoái cũng nói rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình". Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đầu tháng này khẳng định, trang bị vũ khí cho Ukraine giành chiến thắng là "con đường ngắn nhất để khôi phục hòa bình và an ninh ở châu Âu".

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev, trong đó Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. Ukraine nhiều lần cho biết, nước này cần 600-700 xe chiến đấu bộ binh và 300 xe tăng từ phương Tây để giúp xuyên thủng tuyến phòng thủ của Nga. 

Những tuần gần đây, các nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ, Anh, Đức đồng loạt tuyên bố sẽ chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine.

Nga cảnh báo, những khí tài này không thể xoay chuyển tình hình chiến sự, mà chỉ kéo dài đau khổ của người dân Ukraine. Moscow cũng tuyên bố, bất cứ khí tài nào bên ngoài cung cấp cho Kiev đều sẽ trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng cho pháo binh Nga".

Theo Sun
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine