1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nêu 4 điều kiện chấm dứt xung đột với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Kiev tin rằng, Nga đang tìm cách hòa đàm với Ukraine thông qua các trung gian. Tuy nhiên, để chấm dứt xung đột, Moscow cần đáp ứng các điều kiện của Kiev.

Ukraine nêu 4 điều kiện chấm dứt xung đột với Nga - 1

Ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine (Ảnh: Kyiv Independent).

Trả lời phỏng vấn Radio NV ngày 6/2, ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, nói: "Ông (Vladimir) Putin đã ra lệnh bao vây hoàn toàn Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, hiện giờ họ nhận ra rằng không thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Đó là lý do tại sao họ tìm đến các trung gian hòa đàm".

Ông nhấn mạnh, Ukraine luôn sẵn sàng hòa đàm để chấm dứt xung đột và các điều kiện Kiev đưa ra rất đơn giản. Theo đó, ông nêu ra 4 điều kiện nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần một năm qua giữa Nga và Ukraine.

Thứ nhất, Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine. Thứ hai, Moscow cần chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế do mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, gây đau thương cho người già, phụ nữ và trẻ em. Thứ ba, Ukraine phải có được các cam kết an ninh. Thứ tư là trách nhiệm giải trình, bồi thường.

Ông Danilov cũng nhấn mạnh: "Nga phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chúng tôi trước. Không còn cách nào khác".

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine sắp đánh dấu tròn một năm. Kiev dự đoán, Nga đang tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn. Theo nguồn tin tình báo Ukraine, chiến dịch tấn công mới này có thể xảy ra sau ngày 15/2.

Nga được cho là sẽ tập trung vào mặt trận Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine, trong khi đó, họ có thể sẽ không tấn công từ hướng Belarus mà chỉ có hoạt động nghi binh tại đây. Mục tiêu của Nga là kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk).

Ông Danilov đánh giá, Nga có thể sẽ tiến hành một đợt huy động quân nữa sau đợt huy động hơn 300.000 tân binh hồi tháng 9 năm ngoái. Ông tin rằng, với quân số hiện tại, Moscow khó đạt được bước tiến lớn trên chiến trường. Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, ước tính Nga hiện có 326.000 quân tham gia chiến dịch ở Ukraine.

Theo ông Danilov, những tháng tới có ý nghĩa quyết định đối với cuộc xung đột. Điều Kiev cần hiện giờ là có thêm nhiều khí tài và nhanh nhất có thể. "Chúng tôi cần xe tăng để phòng vệ, thực hiện các đợt phản công. Chúng tôi cần các khẩu pháo, rocket, máy bay", ông nói.

Lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine cho rằng, đã đến lúc phương Tây cần vượt qua nỗi sợ hãi và cung cấp cho Kiev tất cả vũ khí cần thiết để chấm dứt xung đột. "Nếu các vị lo sợ, các vị đã thua cuộc. Chúng tôi không sợ hãi, đó là lý do chúng tôi sẽ chiến thắng", ông cho biết.

        Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine