Nga để ngỏ khả năng đàm phán với Ukraine
(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine vẫn không thay đổi, nhưng có thể đạt được thông qua đàm phán.
"Định hướng vẫn không thay đổi, chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp diễn để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi nhiều lần khẳng định rằng chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán để đạt được các mục tiêu của mình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 13/10.
Tuy nhiên, ông Peskov nói thêm rằng ông không nhìn thấy bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán với phương Tây trong tương lai gần vì thái độ "thù địch" của nước này đối với Nga.
"Việc đối thoại cần phải có cả hai bên. Vì phương Tây đang có lập trường rất thù địch đối với chúng tôi, nên khó có khả năng xảy ra bất kỳ triển vọng nào như vậy trong tương lai gần", ông Peskov nói.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số quốc gia khác, "vẫn tiếp tục cố gắng làm trung gian hòa giải theo một cách nào đó".
Mặc dù Điện Kremlin trước đó từng để ngỏ khả năng sẵn sàng đàm phán, nhưng các tuyên bố liên tiếp của giới chức Nga trong tuần này về khả năng đối thoại được xem là động thái đáng chú ý.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 11/10 cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với phương Tây. Tới ngày 13/10, ông Lavrov nhắc lại điều này.
"Chúng tôi sẽ không chạy theo bất kỳ ai. Nếu có những đề xuất nghiêm túc cụ thể, chúng tôi sẵn sàng xem xét chúng. Khi chúng tôi nhận được tín hiệu, chúng tôi sẽ sẵn sàng xem xét", ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Lavrov cũng tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào và bắt đầu đàm phán với Nga.
Tổng thống Zelensky hồi tháng 9 nói rằng Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng không phải với Tổng thống Vladimir Putin, mà với một tổng thống khác của Nga. Ngày 4/10, ông Zelensky ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với Tổng thống Putin.
Ông Zelensky ngày 11/10 tiếp tục tuyên bố "không đối thoại với Tổng thống Putin" và không có triển vọng đàm phán trong tương lai với nhà lãnh đạo Nga. Theo ông Zelensky, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán hòa bình của Ukraine trong nhiều năm qua, Tổng thống Nga vẫn đưa ra tối hậu thư và phát lệnh tấn công Ukraine.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 9/10 nói rằng, cả Nga và Ukraine cần tìm cách đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng Moscow dường như không muốn làm như vậy. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi kêu gọi hòa bình nhưng vẫn "cung cấp vũ khí quy mô lớn" cho Ukraine.
Kiev nhiều lần khẳng định xung đột chỉ chấm dứt khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014. Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ chưa dừng lại nếu Kiev từ chối đàm phán.
Việc Nga gần đây sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine khiến căng thẳng giữa Nga với Ukraine nói riêng, với phương Tây nói chung leo thang hơn. Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine.