1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga hy vọng Tổng thống Ukraine đổi ý, chấp thuận đàm phán hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào và bắt đầu đàm phán với Nga.

Nga hy vọng Tổng thống Ukraine đổi ý, chấp thuận đàm phán hòa bình - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Reuters).

"Tôi không loại trừ khả năng rằng, ông ấy (Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) mặc dù ban đầu từ chối cho phép bản thân đàm phán, nhưng sau đó sẽ quên điều đó, tùy thuộc vào tâm trạng của ông ấy khi ông ấy thức dậy vào buổi sáng và những gì ông ấy sẽ làm. Ông ấy còn phải nhận lệnh từ Washington hoặc London, đồng thời tìm cách giải thích (với những người Ukraine) để giữ thể diện", hãng tin RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói hôm 11/10.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 9 nói rằng Ukraine sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng không phải với Tổng thống Vladimir Putin, mà với một tổng thống khác của Nga. Ngày 4/10, ông Zelensky ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với Tổng thống Putin.

Ông Zelensky ngày 11/10 tiếp tục tuyên bố "không đối thoại với Tổng thống Putin" và không có triển vọng đàm phán trong tương lai với nhà lãnh đạo Nga. Theo ông Zelensky, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán hòa bình của Ukraine trong nhiều năm qua, Tổng thống Nga vẫn đưa ra tối hậu thư và tấn công Ukraine.

"Các cuộc đàm phán có thể diễn ra, nhưng với một nhà lãnh đạo khác của Nga, người sẽ tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của nhân loại và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Zelensky nhấn mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 9/10, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexey Polishchuk, cho biết Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán với Ukraine và Moscow đã đáp ứng yêu cầu của Kiev để bắt đầu quá trình đàm phán từ cuối tháng 2.

"Kiev từng sẵn sàng duy trì tình trạng trung lập vĩnh viễn, phi hạt nhân hóa, không tham gia các liên minh, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa để đổi lấy các đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, khi dự thảo thỏa thuận bắt đầu xây dựng đề cương có thể chấp nhận được, Kiev đã phá vỡ quá trình đàm phán. Rõ ràng là theo yêu cầu của các nhà tài trợ phương Tây, vốn không cần hòa bình (ở Ukraine)", ông Polishchuk nói.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 9/10 nói rằng, cả Nga và Ukraine cần tìm cách đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng Moscow dường như không muốn làm như vậy. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi kêu gọi hòa bình nhưng vẫn "cung cấp vũ khí quy mô lớn" cho Ukraine. Bà Zakharova cho rằng Mỹ càng khuyến khích các hành động của Ukraine, việc tìm kiếm các biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột càng gặp khó khăn hơn.

Kiev nhiều lần khẳng định xung đột chỉ chấm dứt khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga năm 2014. Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ chưa dừng lại nếu Kiev từ chối đàm phán.

Việc Nga gần đây sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine khiến căng thẳng giữa Nga với Ukraine nói riêng, với phương Tây nói chung leo thang hơn nữa. Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Theo RIA
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine