1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO có thể đáp trả thế nào về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan?

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu kết quả điều tra chỉ ra rằng vụ rơi tên lửa xuống Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng có liên quan đến Nga, NATO có thể kích hoạt điều khoản 4 hoặc 5 về phòng thủ tập thể theo đề nghị của Ba Lan.

NATO có thể đáp trả thế nào về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan? - 1

Một binh sĩ của Ba Lan (Ảnh: AP).

Mỹ và các đồng minh NATO cho biết đang tiếp tục điều tra, xác minh thông tin liên quan đến vụ việc tên lửa rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng hôm 15/11. Giới chức Ba Lan nói rằng, đây dường như là tên lửa "do Nga sản xuất" nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng liệu ai đã phóng nó.

Nga đã lên tiếng bác bỏ có liên quan, đồng thời cáo buộc đó là tên lửa phòng không của Ukraine. Kênh Telegram Mash của Nga đăng tải một bức ảnh cho thấy một mảnh vỡ tên lửa được cho là của hệ thống phòng không S-300 - tổ hợp sản xuất từ thời Liên Xô và Ukraine cũng sử dụng.

Hãng tin AP dẫn thông tin ban đầu từ các quan chức Mỹ nói, tên lửa rơi xuống Ba Lan do Ukraine phóng để đánh chặn một tên lửa Nga đang bay tới trong vụ tập kích diện rộng của Moscow nhằm vào Ukraine hôm 15/11. Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Sau cuộc họp khẩn với các lãnh đạo G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng, tên lửa dường như không phải phóng đi từ Nga, nhưng vẫn cần điều tra thêm.

Ba Lan - một thành viên của NATO - đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Ba Lan có thể sẽ cân nhắc kích hoạt Điều 4 hoặc Điều 5 của Hiến chương NATO. Điều này làm dấy lên lo ngại xung đột ở Ukraine lan rộng sang nước láng giềng và NATO có thể bị cuốn vào xung đột.

NATO có thể đáp trả thế nào về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan? - 2

Làng Przewodow của Ba Lan sát biên giới Ukraine (Bản đồ: Mbox).

Điều khoản 4 là gì?

Điều 4 của Hiến chương NATO nói rằng, theo ý kiến của bất kỳ quốc gia thành viên nào, liên minh này sẽ cùng nhau tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh chính trị của một thành viên bị đe dọa.

Điều khoản này thiết lập cơ chế tham vấn giữa các quốc gia thành viên NATO để trao đổi quan điểm và thông tin, đồng thời thảo luận các vấn đề trước khi đạt được thỏa thuận và hành động. "Nó cũng mang lại cho NATO một vai trò tích cực trong việc đề phòng rủi ro bằng cách cung cấp các giải pháp giúp tránh xung đột quân sự.

Điều 4 từng được viện dẫn 7 lần kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949. Gần đây nhất, Latvia, Litva, Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Romania và Slovakia đã kích hoạt điều khoản này để tổ chức các cuộc họp sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Các quốc gia thành viên không bắt buộc phải hành động khi kích hoạt Điều 4, mặc dù các cuộc thảo luận có thể dẫn đến quyết định thực hiện hành động chung của NATO.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt Điều 4 vào năm 2015 sau khi ít nhất 30 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát gần biên giới với Syria. Vào thời điểm đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn thông báo cho các đồng minh NATO về những biện pháp mà họ dự định thực hiện để đáp trả. Sau cuộc họp, NATO đã đưa ra tuyên bố nói rằng các thành viên của họ lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra không có hành động nào khác.

Điều 5 là gì?

NATO có thể đáp trả thế nào về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan? - 3

NATO là liên minh quân sự gồm 30 thành viên, trong đó có Ba Lan (Ảnh minh họa: Getty).

Điều 5 nêu rõ, các bên tham gia hiệp ước NATO nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều quốc gia thành viên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị coi là tấn công chống lại tất cả khối NATO.

Theo điều khoản này, mỗi thành viên của NATO phải thực hiện hành động như vậy nếu thấy cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương. Điều 5 cũng cho phép liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt kích hoạt phản ứng vũ trang.

Điều khoản phòng thủ tập thể của mới chỉ được kích hoạt một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Các lực lượng của NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan.

Ukraine không phải là thành viên NATO, nhưng mong muốn công khai tham gia liên minh này của Kiev khiến Nga coi đó là một mối đe dọa hiện hữu.

Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, NATO đã kích hoạt Lực lượng Phản ứng, một đội quân đa quốc gia gồm 40.000 binh sĩ thuộc bộ binh, không quân, hải quân và lực lượng đặc nhiệm. Đây là lần đầu tiên NATO có hành động như vậy. NATO đã điều quân đến các quốc gia có biên giới với Nga và Ukraine, bao gồm Romania và Hungary để tăng cường lực lượng cho nhóm binh sĩ đang đóng quân ở các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan.

Cuối tháng 1/2022, trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: "Điều 5 nói rất rõ về điểm này: cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO đồng nghĩa là tấn công chống lại tất cả chúng ta. Như Tổng thống Biden đã nói, Mỹ coi đây là nghĩa vụ thiêng liêng và chúng tôi sẽ thực hiện đúng theo cam kết đó".

Cẩn trọng, tránh tính toán sai lầm

NATO có thể đáp trả thế nào về vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan? - 4

Các lãnh đạo G7 nhóm họp khẩn cấp sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan (Ảnh: Reuters).

Tướng Sir Richard Barrons, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hỗn hợp Vương quốc Anh, bình luận: "Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào hiện trường vụ nổ, các chuyên gia công nghệ sẽ tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa và các mảnh vỡ khác để xác định đó là loại tên lửa gì, tiếp đến xác định nó có thể khai hỏa từ đâu, bằng cách nào, ai đứng sau". Theo ông, đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn thì NATO mới có quan điểm dứt khoát về vấn đề này.

Giới chức Pháp hôm nay kêu gọi đặc biệt thận trọng khi đưa ra bất cứ đánh giá nào về nguồn gốc của tên lửa rơi xuống Ba Lan bởi "nhiều nước sử dụng cùng loại vũ khí, việc xác định loại tên lửa chưa thể chắc chắn ai sử dụng nó".

Lord Richard Dannatt, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh, cho rằng một trong những điều quan trọng nhất ở giai đoạn này là các quốc gia liên quan tiếp tục trao đổi: "Các kênh mở và các kênh phản hồi nên được sử dụng tích cực vào thời điểm hiện tại để tìm hiểu không chỉ điều gì đã xảy ra mà còn tại sao nó lại xảy ra". "Hiện giờ, chúng ta phải rất, rất thận trọng", ông Sir Richard nhấn mạnh.

Nhận định về nguyên nhân vụ rơi tên lửa, ông Lord Dannatt đưa ra 2 giả thuyết, hoặc do sơ suất của Nga, hoặc Nga đang thử phản ứng của NATO. "Công nghệ hiện đại khá chính xác, vì vậy thật khó để giải thích rằng đây có thể là một tai nạn. Nếu đó không phải là một tai nạn và đó là một phép thử đối với phản ứng của phương Tây, thì đó là điều phải được xem xét rất cẩn trọng. Cần phải có những cái đầu lạnh để đảm bảo cuộc chiến kinh hoàng này không leo thang do tính toán sai lầm", ông cảnh báo.

Theo Washington Post, Reuters, Sky News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine