1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tên lửa rơi xuống lãnh thổ, Ba Lan cân nhắc kích hoạt phòng thủ của NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Ba Lan đang cân nhắc kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi hai tên lửa rơi xuống vùng biên giới nước này khiến 2 người chết.

Tên lửa rơi xuống lãnh thổ, Ba Lan cân nhắc kích hoạt phòng thủ của NATO - 1

Hiện trường tại trang trại Ba Lan nghi trúng tên lửa hôm 15/11 (Ảnh: Ukrainsk Pravda).

Truyền thông phương Tây đưa tin, ít nhất 2 tên lửa hoặc rocket bị cho là đã rơi xuống một trang trại ở làng Przewodow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ 6km hôm 15/11. Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng

Hiện chưa rõ nguồn gốc của các tên lửa hay rocket này, song chúng rơi xuống lãnh thổ Ba Lan gần như trùng thời điểm Nga tập kích tên lửa vào miền Tây Ukraine và nhiều khu vực khác.

Ngay sau vụ việc, Ba Lan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia. Ba Lan cũng đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.

Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Nga để làm rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina nói: "Hôm 15/11, lãnh thổ Ukraine và các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine bị pháo kích hàng loạt trong nhiều giờ đồng hồ. Lúc 15h40, một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống làng Przewodow, khiến 2 công dân Ba Lan thiệt mạng". 

Trước đó, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Mueller kêu gọi truyền thông và công chúng chưa vội đăng tải những thông tin chưa được xác nhận.

Giới chức một số nước Baltic cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công và hối thúc Ba Lan kích hoạt điều khoản số 5 trong Hiệp ước của NATO về phòng thủ tập thể. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, NATO cần hành động để "đáp trả vụ tấn công nhằm vào an ninh tập thể của liên minh".

Theo hãng tin RT, giới chức Ba Lan đang tiếp tục tham vấn liệu có kích hoạt điều khoản 4 trong Hiệp ước NATO hay không. Điều khoản 4 nói về cơ chế phòng thủ khi một thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa. Để kích hoạt, nước thành viên đó phải tham vấn 29 thành viên còn lại để có một quyết định thống nhất về cách thức phản ứng. Điều khoản 4 khác với điều khoản 5 - điều khoản kích hoạt khi một thành viên NATO bị tấn công từ bên ngoài.

Ba Lan là một thành viên của NATO, liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Liên minh này có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể trong trường hợp một thành viên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công. Điều này làm dấy lên lo ngại sự việc xảy ra ở Ba Lan có thể khiến xung đột ở Ukraine lan rộng.

Tên lửa rơi xuống lãnh thổ, Ba Lan cân nhắc kích hoạt phòng thủ của NATO - 2

Làng Przewodow của Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ 6km (Bản đồ: Mapbox).

Nga bác bỏ có liên quan 

Nga đã lên tiếng bác bỏ có liên quan. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này không thực hiện bất cứ vụ tập kích nào vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine - Ba Lan.

"Hỏa lực của Nga không nhắm vào khu vực giữa biên giới Ukraine và Ba Lan. Hình ảnh các mảnh vỡ tên lửa tại hiện trường mà truyền thông Ba Lan đăng tải không liên quan đến hỏa lực của Nga", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Moscow cho rằng, việc truyền thông và giới chức Ba Lan cáo buộc tên lửa Nga rơi xuống làng Przewodow là "hành động cố ý gây hấn nhằm leo thang tình hình".

Một quan chức NATO cho hay, liên minh này đang điều tra làm sáng tỏ vụ việc trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với giới chức Ba Lan. Theo kế hoạch, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các đại sứ của liên minh vào sáng nay 16/11 ở Brussels để thảo luận về vụ việc. "Tôi xin gửi lời chia buồn Ba Lan về sự mất mát này. NATO đang theo dõi sát tình hình và tham vấn các đồng minh", Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết. 

Về phía Mỹ, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với các phóng viên rằng, quân đội Mỹ đã nắm được thông tin tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, nhưng vẫn đang xác minh thêm.

Theo RT, Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine