1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden bị đánh thức nửa đêm, họp khẩn G7 vì vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp gồm các nhà lãnh đạo G7 và NATO rạng sáng 16/11 sau vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.

Ông Biden bị đánh thức nửa đêm, họp khẩn G7 vì vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan - 1

Tổng thống Joe Biden tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo G7 và NATO (Ảnh: Reuters).

AP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị các trợ lý đánh thức lúc nửa đêm 15/11, rạng sáng 16/11 để thông báo việc tên lửa nghi từ xung đột Ukraine rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Ông Biden đang ở Bali, Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh G20.

Tổng thống Biden đã lập tức điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Ba Lan điều tra vụ việc, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO. Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo nhóm G7 để thảo luận tình hình.

Ngoài Tổng thống Biden, các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Các nhà lãnh đạo đã bàn bạc và tham vấn nhiều vấn đề liên quan đến việc tên lửa rơi xuống làng Przewodow của Ba Lan khiến 2 công dân thiệt mạng.

Khi được hỏi liệu ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vụ việc hay không, Tổng thống Biden trả lời là "không".

Trong khi đó, theo các nguồn tin, các đại sứ NATO cũng sẽ họp khẩn để tham vấn trong ngày 16/11 theo yêu cầu của Ba Lan. Cuộc họp được triệu tập dựa trên Điều 4 của NATO, vốn cho phép các nước thành viên kích hoạt khi xuất hiện mối đe dọa về an ninh.

Theo nguồn tin, NATO sẽ phản ứng cẩn trọng và cần thời gian để xác minh chính xác vụ việc.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, tên lửa Nga đã rơi xuống Ba Lan, gọi đó là cuộc tấn công vào an ninh tập thể và một sự leo thang đáng kể.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc, cho biết vũ khí của Nga không tập kích vào khu vực này.

Ba Lan trước đó cho biết, một quả tên lửa đã rơi xuống một ngôi làng gần biên giới Ukraine vào chiều 15/11. 

Trong khi Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng tên lửa rơi này là "do Nga sản xuất", Tổng thống Duba có tuyên bố cẩn trọng hơn về nguồn gốc tên lửa, nói rằng giới chức Ba Lan chưa biết chính xác tên lửa xuất phát từ đâu và do ai phóng. Theo nhà lãnh đạo Ba Lan, mọi thông tin vẫn đang được làm rõ.

Trên thực tế, chưa khi nào vũ khí Nga rơi xuống một quốc gia NATO kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine