1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ, NATO tính viện trợ lá chắn tên lửa do Liên Xô thiết kế cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi bác kế hoạch gửi tiêm kích cho Ukraine vì lo leo thang căng thẳng với Nga, Mỹ và NATO đang tính tới việc chuyển các lá chắn tên lửa do Liên Xô thiết kế cho Kiev.

Mỹ, NATO tính viện trợ lá chắn tên lửa do Liên Xô thiết kế cho Ukraine - 1

Một tổ hợp S-300 của Bulgaria (Ảnh minh họa: Wikipedia).

Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay, Lầu Năm Góc đang xem xét các phương án nhằm nâng cao năng lực phòng không của Ukraine thông qua cung cấp các lá chắn tên lửa cho nước này.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, nước này đang xác định loại hệ thống phòng không nào sẽ phù hợp nhất với Ukraine, trong đó các hệ thống sử dụng thiết kế của Liên Xô sẽ được xem là lựa chọn tốt nhất vì quân nhân Ukraine sẽ không cần huấn luyện nhiều để sử dụng được chúng.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Kiev đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự nhiều hơn, bao gồm cả máy bay chiến đấu. Lầu Năm Góc hôm 9/3 đã từ chối phương án chuyển toàn bộ đội tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine vì lo NATO có thể bị kéo vào xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ giúp Ukraine gia tăng khả năng phòng thủ, thông qua việc cung cấp các vũ khí, trong đó có khí tài chống thiết giáp và lá chắn phòng không.

Mỹ đang xem xét khả năng chuyển các tổ hợp phòng không từ các nước thành viên thuộc cánh đông của NATO. Lầu Năm Góc cho rằng, các lá chắn này sẽ hữu dụng hơn là tiêm kích trong nỗ lực giúp Ukraine ngăn máy bay Nga bay trên không phận nước này.

Các hệ thống đất đối không đang được xem xét có cấu tạo phức tạp hơn rất nhiều so với tên lửa tầm nhiệt, phóng theo cơ chế vác vai mà các nước thành viên NATO và các nước khác đã cung cấp cho Ukraine thời gian qua. Một trong những hệ thống mà Mỹ để mắt tới là lá chắn mà NATO định danh là SA-8 và SA-10 (Nga gọi là S-300), có thể nhắm mục tiêu máy bay ở độ cao lớn hơn nhiều so với các tổ hợp vác vai.

S-300 có khả năng bắn rơi máy bay và tên lửa hành trình. Nó được thiết kế để có tính cơ động cao, cho phép lực lượng phòng không khai hỏa và nhanh chóng di chuyển để tránh bị tấn công trả đũa.

Ukraine có một số lá chắn S-300 trong kho vũ khí. Các quan chức phương Tây chưa đề cập tới việc họ sẽ lấy S-300 ở đâu để gửi cho Ukraine. Tuy nhiên, 3 quốc gia NATO là Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia có sở hữu các lá chắn này.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, các hệ thống do Liên Xô sản xuất như S-300 sẽ là dễ dàng nhất cho Ukraine tích hợp vào hệ thống khí tài, cũng như triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Quan chức này gợi ý rằng các quốc gia gần Ukraine nhất về mặt địa lý sở hữu các hệ thống như vậy có thể cung cấp cho Kiev. Đổi lại, các đồng minh khác có thể sẽ "bù đắp" các hệ thống tương đương cho các nước đó.

Mỹ và các nước thành viên NATO khác đang tăng tốc đưa tên lửa Stinger và các hệ thống phòng không di động khác tới Ukraine trong những ngày qua. Tuy nhiên, các hệ thống phóng vác vai chỉ có hiệu quả với trực thăng và máy bay tầm thấp và năng lực của chúng kém hơn nhiều so với S-300.

Người đứng đầu lực lượng Mỹ ở châu Âu, Tướng Không quân Tod Wolters, hôm 10/3 cho biết việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không và các hệ thống khác có ý nghĩa hơn so với tiêm kích.

Lầu Năm Góc hiện giờ vẫn từ chối tiết lộ chi tiết về loại lá chắn phòng không mà họ tính gửi cho Ukraine. "Tôi sẽ không nói chính xác về các lá chắn này", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby trả lời khi được hỏi về hệ thống S-300.

Theo Wall Street Journal
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm