1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, NATO ồ ạt viện trợ vũ khí sau khi Ukraine nói "bị bỏ rơi"

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và nhiều nước châu Âu đã cam kết chuyển viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Mỹ, NATO ồ ạt viện trợ vũ khí sau khi Ukraine nói bị bỏ rơi - 1

Ukraine được phương Tây viện trợ quân sự đáng kể những năm gần đây (Ảnh minh họa: Reuters).

Một số nước thành viên NATO ngày 26/2 tuyên bố sẽ viện trợ quân sự cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Séc đã cam kết gửi "lô vũ khí" trị giá hơn 8,5 triệu USD cho Ukraine đến địa điểm do Ukraine lựa chọn. Lô hàng của Séc gồm súng máy, súng trường tấn công và các loại vũ khí hạng nhẹ khác.

"Chính phủ đã phê duyệt chuyển lô vũ khí cho Ukraine", Thủ tướng Séc Petr Fiala thông báo trên Twitter.

Bộ Quốc phòng Séc tuyên bố hỗ trợ của nước này cho Ukraine vẫn chưa kết thúc. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine", Thủ tướng Fiala tuyên bố.

Hà Lan cũng tuyên bố sẽ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine. "Hà Lan sẽ cung cấp cho Ukraine 200 tên lửa phòng không Stinger. Các khí tài khác đã được triển khai", Cố vấn quốc phòng và đối ngoại của thủ tướng Hà Lan Geoffrey van Leeuwen thông báo trên Twitter.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit ngày 26/2 thông báo, nước này đã quyết định cung cấp cho Ukraine 1.000 hệ thống vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của quân đội Đức. Ông Hebestreit cho biết các vũ khí này sẽ được chuyển đến Ukraine "trong thời gian sớm nhất".

Trước đó, một số hãng truyền thông Đức đưa tin Berlin đã thay đổi quan điểm về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine theo yêu cầu khẩn cấp từ Kiev và các đối tác NATO.

Pháp cũng tuyên bố sẽ chuyển vũ khí phòng thủ và nhiên liệu cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Đại sứ quán Ukraine tại Paris cho biết Kiev đã đề xuất Pháp hỗ trợ vũ khí phòng không.

Slovakia cũng thông báo sẽ gửi đạn pháo và nhiên liệu trị giá 11 triệu Euro (12,39 triệu USD) cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết lô viện trợ của nước này cho Ukraine bao gồm 12.000 viên đạn cỡ nòng 120 mm, 10 triệu lít nhiên liệu diesel và 2,4 triệu lít nhiên liệu máy bay.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 26/2 thông báo Washington sẽ hỗ trợ số vũ khí trị giá 350 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga.

Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lô viện trợ quân sự mới bao gồm "các hệ thống chống thiết giáp và phòng không, vũ khí nhỏ và các loại đạn cỡ nòng khác nhau, đồ bảo hộ và các thiết bị liên quan để hỗ trợ những người bảo vệ tuyến đầu của Ukraine đang đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga".

"Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang sát cánh cùng nhau để xúc tiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Chúng tôi đang sử dụng tất cả các công cụ hợp tác an ninh sẵn có nhằm hỗ trợ người dân Ukraine vào thời điểm họ cần để tự vệ trước sự tấn công của Nga", quan chức Mỹ tuyên bố.

Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã liên hệ với các "đối tác" ở phương Tây để nói với họ rằng, số phận của Ukraine đang bị đe dọa. Ông kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga bởi Ukraine đang cảm thấy phải chiến đấu một mình. Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine đang bị "bỏ rơi" và phải tự mình chiến đấu trước sức ép quân sự từ Nga.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine