1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ lên tiếng về khả năng Ukraine tập kích Crimea bằng vũ khí phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ nói rằng Washington không phản đối nếu Kiev tập kích mục tiêu Nga trên lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Mỹ lên tiếng về khả năng Ukraine tập kích Crimea bằng vũ khí phương Tây - 1

Cầu Crimea bốc cháy sau vụ nổ xe tải và các toa tàu chở dầu tháng 10 năm ngoái (Ảnh: AFP).

Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế Celeste Wallander cho biết, chính quyền Mỹ không phản đối các cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea - nơi Washington coi là một phần của Ukraine.

Khi được hỏi liệu Mỹ có ủng hộ việc Ukraine giành lại Crimea hay việc Kiev tấn công mục tiêu Nga trên bán đảo bằng vũ khí phương Tây hay không, bà nói: "Mỹ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đối với các đường biên giới được quốc tế công nhận, bao gồm cả Crimea. Ukraine có quyền bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của mình. Mỹ không phản đối và không tìm cách hạn chế các hoạt động quân sự của Ukraine để đạt được mục tiêu của họ".

Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014. Đến tháng 10 năm ngoái, Nga tiếp tục sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia dù hiện tại chỉ kiểm soát một phần các lãnh thổ này.

Bán đảo Crimea ở Biển Đen đã trở thành khu vực quan trọng giúp Nga mở chiến dịch quân sự trong năm 2022. Từ Crimea, Nga đã kiểm soát được một khu vực rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam Ukraine. Crimea hiện vẫn đóng vai trò như một căn cứ mà Nga triển khai máy bay và tàu chiến sát Ukraine.

Moscow tuyên bố Crimea là "vấn đề không thể thương lượng". Trong khi đó, Kiev nói rằng, sẽ không có hòa đàm nếu Nga không rút hết quân khỏi Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, trong đó có Crimea. Đây chính là một trong những nút thắt mà 2 bên chưa thể tháo gỡ để có thể nối lại thương lượng giúp hạ nhiệt cuộc chiến sắp kéo dài một năm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố việc giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả Crimea, là ưu tiên hàng đầu. Để đạt mục tiêu đó, Kiev liên tục đề nghị đồng minh phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí hiện đại tầm xa để tập kích các mục tiêu của Nga nằm xa phía sau chiến tuyến.

Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc đánh giá, trong tương lai gần, Ukraine khó giành lại Crimea. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu Ukraine tấn công các cơ sở của Nga ở bán đảo Crimea, Nga sẽ chỉ có cách đáp trả, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, Phó đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Maxim Buyakevich cáo buộc phương Tây đang ngăn cản Ukraine đàm phán với Moscow.

"Các nước phương Tây không cần một giải pháp ngoại giao cho tình hình ở Ukraine. Cuộc xung đột lẽ ra đã được giải quyết khá sớm nhưng các nhà tài trợ bên ngoài tiếp tục cản trở Ukraine khỏi các cuộc đàm phán. Hòa bình trong và xung quanh Ukraine sẽ được thiết lập khi các nước NATO từ bỏ ý tưởng đánh bại Nga trên chiến trường, bất kể họ đang cố gắng làm điều đó với bàn tay của ai", ông nói. 

"Nga sẵn sàng tiếp xúc ngoại giao thực chất để đạt được hòa bình và an ninh trên lục địa châu Âu. Leo thang không phải là lựa chọn của chúng tôi nhưng chúng tôi sẵn sàng cho mọi kịch bản liên quan đến bảo vệ đất nước của chúng tôi", nhà ngoại giao Moscow tuyên bố. 

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm