Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Mỹ "án binh bất động", liên minh tự nguyện của Anh - Pháp ở Ukraine gặp khó

Đức Hoàng

(Dân trí) - Kế hoạch triển khai một lực lượng bảo đảm an ninh cho Ukraine, do Anh và Pháp dẫn đầu trong khuôn khổ liên minh tự nguyện, dường như gặp trở ngại do thiếu cam kết từ phía Mỹ.

Mỹ án binh bất động, liên minh tự nguyện của Anh - Pháp ở Ukraine gặp khó - 1

Kế hoạch lập liên minh tự nguyện của Anh và Pháp đang đối mặt với thách thức vì thiếu sự cam kết của Mỹ (Ảnh: AFP).

Bloomberg ngày 9/4 dẫn các nguồn thạo tin giấu tên cho biết, kế hoạch triển khai binh sĩ tới Ukraine của Anh - Pháp đang bị đình trệ vì Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào cho sáng kiến này.

Theo kế hoạch, liên minh gồm các quốc gia châu Âu và đối tác khác sẽ nhóm họp tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 10/4 để thảo luận về lộ trình hướng tới một Ukraine an toàn và ổn định trong trường hợp có lệnh ngừng bắn. Một phương án đang được cân nhắc là triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.

Chính quyền ông Donald Trump đã tuyên bố không tham gia lực lượng "bảo đảm an ninh" này, song Anh và Pháp đang nỗ lực thuyết phục Washington ít nhất đóng góp năng lực không quân, tình báo hoặc giám sát biên giới nhằm hỗ trợ cho nỗ lực của liên minh.

Tuy nhiên, ông Trump đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết an ninh rõ ràng nào với Ukraine hay liên minh tự nguyện, trong bối cảnh Washington ngày càng phát đi tín hiệu giảm hiện diện quân sự tại châu Âu.

Các quan chức Anh nhấn mạnh rằng sự tham gia của Mỹ là điều "thiết yếu" đối với tính khả thi của kế hoạch, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, đồng thời đặt dấu hỏi về tương lai của sáng kiến nếu các đồng minh không thể lay chuyển được ông Trump.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại tuyên bố cứng rắn hơn, khẳng định kế hoạch triển khai lực lượng bảo đảm an ninh sẽ vẫn tiếp tục "dù có hay không có Mỹ".

Theo Bloomberg, ít nhất 37 quốc gia từ châu Âu, châu Á và Khối Thịnh vượng chung đã tham gia các cuộc thảo luận, trong đó khoảng 15 nước sẵn sàng đóng góp binh sĩ. Các quốc gia khác được đề nghị cung cấp hỗ trợ theo các hình thức khác như tình báo, vũ khí hay lực lượng hải quân.

Dù vậy, quân đội Ukraine vẫn được coi là lực lượng răn đe chủ chốt, trong khi binh sĩ từ các nước đồng minh - với quy mô dự kiến từ 10.000 đến 30.000 quân - sẽ đảm nhiệm việc bảo vệ các cơ sở chiến lược ở hậu phương.

Thủ tướng Anh Keir Starmer lần đầu công bố sáng kiến này tại hội nghị thượng đỉnh ở London hôm 2/3, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về cam kết hỗ trợ từ phía Mỹ.

Chính quyền ông Trump không phê duyệt thêm bất kỳ gói viện trợ quốc phòng mới nào cho Ukraine, thậm chí từng tạm dừng cả các khoản viện trợ đã được phê duyệt nhằm gây sức ép buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán.

Trong khi đó, Mỹ đang tập trung vào nỗ lực đàm phán với Nga, đồng thời cũng thương lượng với Ukraine về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản.

Cuộc tham vấn kỹ thuật giữa Ukraine và chính quyền Tổng thống Trump về thỏa thuận khoáng sản dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/4, tại Washington, D.C., với sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ Bộ Tư pháp và Bộ Kinh tế Ukraine, theo thông báo của Bộ trưởng Tư pháp kiêm Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu và Euro - Atlantic, bà Olha Stefanishyna.

"Tôi chưa thể tiết lộ chi tiết lúc này vì cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày mai, nhưng sau đó tôi sẽ có thể đưa ra bình luận", bà Stefanishyna nói tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 10/4.

Theo Kyiv Independent