1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Đức chần chừ viện trợ 100 xe tăng hiện đại cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích nguyên nhân nước này trì hoãn việc đưa ra quyết định viện trợ 100 xe tăng cho Ukraine trong chiến sự với Nga.

Lý do Đức chần chừ viện trợ 100 xe tăng hiện đại cho Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Politico đưa tin, Thủ tướng Đức Scholz đang trì hoãn việc đưa ra quyết định viện trợ xe tăng hiện đại cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự giữa Kiev và Nga đã bước sang tuần thứ 7.

Kế hoạch này do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Ngoại trưởng Annalena Baerbock thúc đẩy. Hai thành viên đảng Xanh thuộc liên minh cầm quyền của ông Scholz kêu gọi viện trợ cho Ukraine 100 xe tăng.

Quyết định cuối cùng về việc viện trợ dự kiến sẽ được định đoạt trong tuần này, trong bối cảnh Đức và phương Tây cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể sẽ kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Scholz cho rằng, Đức cần phải đạt được quan điểm đồng thuận với các đồng minh phương Tây về việc này trước khi giao cho Ukraine những thiết bị quân sự hạng nặng như vậy.

"Chúng tôi đang thiết lập mọi thứ một cách đúng đắn và hợp lý", Thủ tướng Scholz phát biểu trước Quốc hội Đức khi được hỏi về việc chuyển giao xe tăng. Ông nói thêm rằng điều quan trọng là Đức cần phải phối hợp với các đối tác EU và NATO để đảm bảo "chúng ta viện trợ quân sự theo cơ chế giống nhau và không có ai đang vội vàng đi trước - bao gồm cả Đức".

"Tôi tin rằng Đức sẽ sai lầm nghiêm trọng nếu nhận một vai trò đặc biệt và đi trên con đường đặc biệt (liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine)", ông nói.

Trước đó, các quan chức Đức đã bác bỏ phương án viện trợ cho Ukraine những thiết bị quân sự phức tạp như xe tăng cho Kiev dù trước đó họ từng có động thái lịch sử khi chuyển tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không cho Ukraine. Đức cho rằng, với các thiết bị như xe tăng, sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để huấn luyện quân nhân Ukraine sử dụng chúng.

Trong bối cảnh, cuộc chiến có thể kéo dài lâu hơn, phương Tây đã bắt đầu tính đến việc cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể được sử dụng trong giai đoạn sau của chiến sự.

Sự chần chừ của ông Scholz dường như đã bị các đảng trong liên minh cầm quyền chỉ trích. Họ cho rằng, Đức cần phải thể hiện vai trò lãnh đạo tại EU và NATO và không nên chậm chân so với các nước khác.

Trong khi chính phủ Séc được cho đã gửi cho Ukraine các xe tăng từ thời Liên Xô vốn quen thuộc với loại mà quân đội Ukraine sử dụng, các xe tăng của Đức nếu được viện trợ sẽ đánh dấu một cấp độ mới về vũ khí hạng nặng mà phương Tây chuyển tới Ukraine.

Đức được cho đang xem xét chuyển xe tăng hạng nhẹ Marder và phương tiện bọc thép trang bị tên lửa chống tăng. Ngoài ra, các xe tăng đẳng cấp thế giới như Leopard cũng đang nằm trong diện xem xét.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với Đức nếu quyết định chuyển vũ khí hạng nặng như xe tăng, họ sẽ cần huấn luyện quân nhân Ukraine sử dụng, huấn luyện các nhân viên kỹ thuật bảo trì các vũ khí và đảm bảo việc cung cấp đạn dược và linh kiện cho xe tăng về lâu dài. Đây sẽ là thách thức về hậu cần khá lớn vì nó sẽ không thể thực hiện trên đất Ukraine do Đức không muốn vô tình trở thành một bên tham chiến.

Theo Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine