Xung đột Nga - Ukraine ngày thứ 42:
Quốc gia EU đầu tiên cung cấp xe tăng cho Ukraine giữa lúc căng thẳng
(Dân trí) - Sau những do dự ban đầu của phương Tây, Cộng hòa Séc đã trở thành quốc gia đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) cung cấp xe tăng cho Ukraine giữa lúc xung đột ở đây căng thẳng.
Reuters dẫn lời giới chức cấp cao của Cộng hòa Séc ngày 6/4 cho biết, nước này đã gửi các xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất và xe chiến đấu bộ binh BVP-1 cho Ukraine. Thông tin này được đưa ra sau khi truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh được cho là một tàu hỏa của Séc chở theo 5 xe tăng và 5 xe tác chiến bộ binh. Nếu được xác nhận, Cộng hòa Séc sẽ trở thành quốc gia EU đầu tiên cung cấp xe tăng cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia Liên Xô cũ này hồi cuối tháng 2.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova phát biểu trước quốc hội rằng, bà sẽ không xác nhận hay phủ nhận các chi tiết liên quan đến viện trợ của Séc dành cho Ukraine.
"Tôi chỉ có thể khẳng định rằng, Cộng hòa Séc đang giúp đỡ Ukraine nhiều nhất có thể và sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng cách cung cấp trang thiết bị quân sự cả hạng nặng và hạng nhẹ. Rất tiếc tôi không thể bình luận thêm. Xung đột đang diễn ra… hãy tin tôi, chúng ta đang gửi những trang thiết bị cần thiết cho người bạn Ukraine và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy", Bộ trưởng Cernochova nói.
Đầu tuần này, Đức đã bật đèn xanh cung cấp 58 xe thiết giáp do Liên Xô thiết kế và chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh cho Ukraine. Xe chiến đấu bộ binh bọc thép BMP-1 thời Liên Xô, được thiết kế vào cuối những năm 1960 và ban đầu thuộc sở hữu của Đông Đức. Loại xe này được đưa vào kho vũ khí của quân đội Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Các xe thiết giáp BMP-1 hiện thuộc sở hữu của một công ty Séc, nhưng việc chuyển giao cho bên thứ 3 cần phải được Đức phê duyệt do thỏa thuận người sử dụng cuối cùng.
Trong một diễn biến liên quan khác, New York Times đưa tin ngày 1/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang làm việc với các đối tác để chuyển giao xe tăng từ thời Liên Xô cho Ukraine theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nguồn tin không tiết lộ liệu có bao nhiêu xe tăng sẽ được gửi cho Ukraine và chúng đến từ những quốc gia nào, mà chỉ cho biết đây là xe tăng do Liên Xô chế tạo vì quân đội Ukraine đã quen sử dụng phương tiện này nên không cần mất nhiều thời gian đào tạo vận hành. Nguồn tin nhận định, nếu được cung cấp thêm xe tăng, Ukraine có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo tầm xa vào các mục tiêu của Nga ở Donbass.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2. Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, trong chiến dịch này, lực lượng của Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" nước láng giềng. Mỹ và các đồng minh đã liên tục cung cấp vũ khí giúp Kiev cản đà tiến công của Moscow, nhưng đến nay về cơ bản vẫn do dự, chưa đáp ứng đề xuất cung cấp xe tăng, máy bay chiến đấu cho Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
Xe tăng T-72 được chế tạo từ năm 1971 dưới thời Liên Xô và chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1977. Đến nay, xe tăng T-72 vẫn thể hiện được những ưu thế.
Nhờ những nâng cấp mới nhất như trang bị pháo nòng trơn 2A46M-5 cỡ 125 mm có chức năng nạp đạn tự động, xe tăng T-72 hoàn toàn có thể cạnh tranh với các dòng xe tăng hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nhờ những nâng cấp mới nhất như trang bị pháo nòng trơn 2A46M-5 cỡ 125 mm có chức năng nạp đạn tự động, xe tăng T-72 hoàn toàn có thể cạnh tranh với các dòng xe tăng hiện đại nhất thế giới hiện nay. Xe tăng T-72 nặng 44 tấn, dài 7m, cao hơn 2m, được vận hành bởi kíp chiến đấu gồm 3 người.
Nga đã tiến hành nâng cấp T-72 nhiều đợt, trong đó phiên bản mới nhất T-72B3 sở hữu sức mạnh gần như ngang ngửa với xe tăng T-90 khi được trang bị giáp và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.