1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rủi ro của Nga khi tung lá bài khí đốt quyền lực với châu Âu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga chiếm ưu thế so với châu Âu trong ván bài khí đốt hơn nửa năm qua do Moscow là nhà cung cấp hàng đầu, nhưng chuyên gia cảnh báo sức nặng của lá bài này có thể đang giảm dần.

Rủi ro của Nga khi tung lá bài khí đốt quyền lực với châu Âu - 1

Chuyên gia nhận định, khi châu Âu tìm được nguồn cung thay thế năng lượng Nga, lá bài này có thể sẽ giảm sức nặng (Ảnh: EPA).

Không lâu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, các bộ trưởng năng lượng và nhà ngoại giao châu Âu bắt đầu di chuyển khắp thế giới để ký kết các thỏa thuận. Họ đã chuẩn bị cho kịch bản mùa đông khó khăn nếu Nga cắt nguồn khí đốt giá rẻ để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nga sau đó viện dẫn lý do về kỹ thuật phát sinh vì các lệnh cấm vận để giảm dần nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Gần đây nhất, Nga khóa van đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn vì lý do tua-bin bị trục trặc. Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa khí đốt, nhưng Moscow bác bỏ điều này.

Dù nguyên nhân đằng sau có là gì thì một thực tế mà châu Âu phải chấp nhận đối mặt rằng họ đang đối diện với việc mất an ninh năng lượng nghiêm trọng sau hàng chục năm phụ thuộc vào Nga.

Theo New York Times, chính các lãnh đạo châu Âu cũng phải thừa nhận một điều rằng, kỷ nguyên của việc mua khí đốt giá rẻ của Nga đã khép lại. Vì vậy, với những thông báo khóa van khí đốt của Nga, họ cũng không tỏ ra quá bất ngờ và cũng không đặt thêm kỳ vọng lớn hơn vào Moscow.

Mặc dù vậy, điều này cũng không có nghĩa là các quốc gia châu Âu không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh họ đang đối mặt với rủi ro bất ổn xã hội và sụt giảm quyết tâm trong việc đối phó với Nga.

Giá khí đốt tăng gấp vài lần so với mức bình thường, gây ra áp lực dồn dập lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia phương Tây, Nga dường như đang chờ đợi kịch bản phương Tây vướng vào khó khăn khi họ bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế và lạm phát kỷ lục. Điều mà Nga kỳ vọng có thể là, sớm hay muộn, sự đoàn kết của châu Âu để đối phó với Moscow có thể sẽ lung lay vì khủng hoảng năng lượng và vị thế của Nga sẽ gia tăng.

"Chúng tôi đã, đang và sẽ không mất bất cứ thứ gì (sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine)", Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngày 7/9.

Tín hiệu quyết tâm từ châu Âu

Tuy nhiên, theo New York Times, các lãnh đạo châu Âu đang phát đi tín hiệu rằng, trong nhiều tháng qua, họ đã chuẩn bị cho kịch bản Nga siết chặt lá bài khí đốt quyền lực và đã tìm ra phương án đối phó.

"Nỗ lực của chúng ta đã được đền đáp! Khi chiến sự bắt đầu, khí đốt chảy qua đường ống của Nga chiếm 40% toàn bộ khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Hiện thời, con số này tụt xuống 9%", Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen phát biểu hôm 7/9 tại Bỉ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt từ Italy và Đức, đã đàm phán với hàng loạt nhà cung cấp trên toàn cầu từ Algeria đến Qatar, Senegal, Congo và Canada, nhằm tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga, cũng đã nhận được cam kết từ Na Uy và Hà Lan về việc tăng sản lượng mặt hàng trên cho Berlin để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Do đó, sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt giá rẻ của Nga - từng chiếm hơn một nửa tổng lượng khí đốt nhập khẩu - giảm xuống dưới 10% trong tháng 8. Tại Italy, lượng khí đốt nhập từ Moscow đã giảm từ 40% xuống còn 23%.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các lãnh đạo châu Âu khác giờ đây chấp nhận một sự thực là kỷ nguyên mua khí đốt giá rẻ của Nga đã không còn nữa. Điều này có nghĩa là tầm quan trọng của khí đốt Nga với châu Âu có thể sẽ giảm đi trong thời gian tới.

Một dự báo kinh tế nội bộ của chính phủ Nga mà Bloomberg tiếp cận được ước tính rằng việc cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu sẽ khiến doanh thu từ thuế của Moscow giảm khoảng 6,6 tỷ USD - một khoản tiền khổng lồ.

EU hôm qua cũng tuyên bố đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga nhằm gây áp lực lên chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, dù Nga trước đó đã cảnh báo sẽ cắt nguồn cung với bất cứ bên nào có các động thái mà họ xem là phi thị trường. Điều này cho thấy, EU có thể đã chuẩn bị cho viễn cảnh sẽ không còn mua khí đốt Nga trong tương lai. 

Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu này, Nga vẫn là bên chủ động hơn, do sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào.

Trong nửa năm qua, bất chấp nỗ lực của châu Âu nhằm rời bỏ năng lượng của Moscow, Nga vẫn thu được doanh thu rất lớn từ khí đốt và dầu mỏ do giá các mặt hàng này tăng vọt. 

Mặt khác, ngay cả khi các nguồn thay thế của châu Âu, như khí tự nhiên hóa lỏng, vẫn duy trì ở mức cao, việc Nga cắt hoàn toàn khí đốt cho châu Âu vẫn gây nên tác động lớn. Theo một ước tính của viện Bruegel (Bỉ), nếu kịch bản trên xảy ra, châu Âu sẽ buộc phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng 15% để chống đỡ. Tại Đức, các nhà sản xuất công nghiệp lớn đã cắt giảm tiêu thụ trung bình 20% dù Nga chưa cắt hoàn toàn khí đốt.

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine