1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

EU sẽ đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ đề xuất việc áp giá trần lên khí đốt của Nga, trong các nỗ lực nhằm gây áp lực lên chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

EU sẽ đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga - 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AP).

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 7/9 thông báo, EU sẽ đề xuất với các nước thành viên về việc áp giá trần với mặt hàng khí đốt của Nga. Ngoài ra, khối này cũng sẽ thực hiện một số biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, bao gồm bắt buộc cắt giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và điều chỉnh lại chính sách giá điện.

"Chúng tôi sẽ đề xuất áp giá trần khí đốt Nga. Chúng ta phải cắt đi nguồn doanh thu mà chính quyền (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sử dụng để cấp cho cuộc chiến ở Ukraine", bà von der Leyen tuyên bố.

Đây là đề xuất từ phía EU và sẽ cần sự đồng thuận của các nước thành viên để thông qua.

Tổng thống Putin hôm nay cũng cảnh báo rằng, Nga sẽ dừng cấp khí đốt và dầu cho bất cứ bên nào áp giá trần lên năng lượng của Moscow.

Theo Reuters, một số quốc gia EU phụ thuộc vào khí đốt Nga có thể sẽ lo ngại về việc mất đi nguồn cung quan trọng từ Moscow.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow. Nga cho rằng, chính những lệnh cấm vận này đã gây ra tác dụng ngược, khiến cho châu Âu đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, dẫn tới lạm phát kỷ lục ở nhiều quốc gia.

EU trong thời gian qua đã tăng tốc tìm biện pháp để đối phó với việc nguồn cung năng lượng từ Nga ngày càng sụt giảm, đẩy giá dầu và khí đốt lên mức phi mã và tác động tiêu cực tới các ngành kinh tế sản xuất sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu.

Theo Reuters, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 400% so với một năm trước, đẩy hàng loạt nền kinh tế vào nguy cơ suy thoái.

Gần đây nhất, Nga đã khóa van vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, viện dẫn lý do kỹ thuật do các lệnh cấm vận của phương Tây. Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ lệnh trừng phạt, đường ống này mới có thể được sửa chữa và vận hành trở lại. EU cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.

Sau động thái của Nga, thị trường tài chính châu Âu hứng chịu một cú sốc khác, với đồng EUR tụt xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua và cổ phiếu lao dốc.

Giờ đây, châu Âu đang chạy đua với thời gian để tìm cách đối phó với mùa đông lạnh giá sắp tới gần. Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 9/9 để bàn bạc về các đề xuất ứng phó với cuộc khủng hoảng trước mắt.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông, ông Putin nhận định, thị trường khí đốt châu Âu không còn được xem là quan trọng như trước, khi nguồn cung đang có xu hướng được chuyển hướng sang châu Á.

 "Và ngay cả các đối tác Mỹ (của châu Âu) cũng chuyển hướng các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ đến các nước châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, để bán với giá cao hơn", ông Putin cho biết.

Theo Reuters