1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc gia EU nói châu Âu "tự bắn vào chân mình" khi trừng phạt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hungary, quốc gia thành viên EU, thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt khối này áp lên Nga đã gây tác động ngược, khiến châu Âu còn hứng chịu nhiều khó khăn hơn.

Quốc gia EU nói châu Âu tự bắn vào chân mình khi trừng phạt Nga - 1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: EPA).

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc gia hôm 15/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra một dự đoán ảm đạm về tương lai của EU. Ông Orban cảnh báo khối này có thể đối mặt với kịch bản suy thoái trong thời gian tới.

Nhà lãnh đạo Hungary cho biết, các lệnh trừng phạt chống Nga của EU, bao gồm với mặt hàng dầu mỏ của Moscow, đã gây ra tác dụng ngược khi chúng còn gây thiệt hại cho châu Âu nặng nề hơn cho Moscow. Đồng thời, các lệnh trừng phạt này đã không hiệu quả trong mục tiêu khiến Nga phải dừng chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 5 tháng qua ở nước láng giềng Ukraine.

"Tôi nghĩ chúng ta (EU) đã tự bắn vào chân mình. Giờ đây, giống như là nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào phổi mình và việc thở lúc này cũng trở nên khó khăn", ông Orban thừa nhận.

Hungary, quốc gia vẫn đang nhận khí đốt Nga qua 2 đường ống chính, sẽ ít có khả năng bị Moscow cắt nguồn cung, nhưng Budapest cũng phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt nếu chiến sự tiếp tục kéo dài và căng thẳng Nga - phương Tây không hạ nhiệt.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra hậu quả "thảm khốc" cho thị trường năng lượng toàn cầu.

"Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ra tổn thất lớn hơn cho những quốc gia áp đặt chúng", Tổng thống Putin nói trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp dầu khí Nga hôm 8/7.

Nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 5 tuyên bố, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.

Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không mua dầu Nga nữa, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm