1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hai đường ống khí đốt từ Nga sang Đức nghi bị cài thuốc nổ dẫn tới rò rỉ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hai đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 chảy từ Nga sang Đức qua biển Baltic dường như bị đặt thuốc nổ dẫn tới rò rỉ nghiêm trọng.

Hai đường ống khí đốt từ Nga sang Đức nghi bị cài thuốc nổ dẫn tới rò rỉ - 1

Bong bóng khí từ Dòng chảy phương Bắc 2 rò rỉ lên mặt biển Baltic hôm 27/9 (Ảnh: Bộ Tư lệnh Quốc phòng Đan Mạch).

Các nhà khoa học từ Đan Mạch và Thụy Điển ghi nhận các vụ nổ dưới đáy biển gần 2 đường ống Dòng chảy phương Bắc hôm 26/9. Đây là khu vực xảy ra các vụ rò rỉ nghiêm trọng cả 2 đường ống trong cùng một ngày ở các khu vực gần nhau.

Giới chuyên gia và chính phủ một số nước hiện đang tin vào giả thuyết 2 đường ống bị phá hoại có chủ đích.

Nhà địa chấn học Bjorn Lund thuộc Trung tâm Địa chấn Quốc gia Thụy Điển (SNSN) nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là những vụ nổ".

Quân đội Đan Mạch đã đăng tải hình ảnh chụp từ trên không về các vết rò rỉ, cho thấy các vùng rộng lớn sủi bọt lên trên mặt nước. Đan Mạch nói rằng, Dòng chảy phương Bắc 1 bị rò rỉ 2 lỗ ở phía đông bắc đảo Bornholm của nước này, trong khi Dòng chảy phương Bắc 2 bị hư hỏng ở phía nam Dueodde, một bãi biển nằm ở cực nam của hòn đảo.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) cho biết: "Các dấu hiệu thu được không giống như động đất đã xảy ra. Chúng giống với các tín hiệu thường được ghi lại từ các vụ nổ".

Trong khi đó, các nhà địa chấn học tại Đại học Uppsala của Thụy Điển - bên hợp tác với GEUS, cho biết vụ nổ thứ hai "tương ứng với hơn 100kg thuốc nổ", và các vụ nổ xảy ra ở dưới nước chứ không phải dưới đáy biển.

Tấn công có chủ đích?

Hai đường ống khí đốt từ Nga sang Đức nghi bị cài thuốc nổ dẫn tới rò rỉ - 2

Ba lỗ rò rỉ trên 2 đường ống khí đốt chảy từ Nga sang Đức (Đồ họa: Reuters).

Ngày 27/9, Nga cho biết đang điều tra nguyên nhân của vụ việc, và không loại trừ khả năng 2 đường ống là mục tiêu của hành vi phá hoại.

Châu Âu đang xem xét các thông tin liên quan. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng, rò rỉ là do các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng và Berlin hiện biết chắc chắn rằng "chúng không phải do sự cố tự nhiên".

Thụy Điển và Đan Mạch nhấn định, vụ rò rỉ rõ ràng là do các hành động cố ý gây ra, với thông tin cho thấy có khả năng là phá hoại, trong Ba Lan cho rằng đây là một vụ tấn công nhưng không nêu rõ bằng chứng.

Trong khi đó, cố vấn của văn phòng tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc vụ rò rỉ khí đốt từ Dòng chảy phương Bắc 1 là do Nga thực hiện nhằm làm bất ổn tình hình kinh tế ở châu Âu và gây ra sự hoảng loạn trước khi mùa đông tới.

"Cách để đáp trả tốt nhất là viện trợ xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là xe tăng Đức", ông Podolyak nói. Tuy nhiên, quan chức trên không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho lời cáo buộc.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo, họ ghi nhận 2 vụ nổ liên quan đến vụ rò rỉ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 27/9 cho rằng, nếu đúng đây là các cuộc tấn công hoặc phá hoại nhằm vào 2 đường ống khí đốt, vụ việc không mang lại lợi ích cho bên nào, nhưng nhấn mạnh, tình hình hiện tại mang đến cơ hội cho châu Âu.

Ông Blinken cho biết, mục tiêu của Mỹ là áp giá trần lên dầu Nga và tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tới châu Âu. Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới sau khi phương Tây ban hành lệnh cấm vận Nga.

Ông Blinken cho rằng, dù châu Âu đang đối mặt với thách thức lớn trong mùa đông, họ có cơ hội to lớn để chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chống biến đổi khí hậu.

Tạp chí Đức Der Spiegel ngày 27/9 dẫn nguồn thạo tin nói rằng, CIA đã cảnh báo Berlin vài tuần trước đó về nguy cơ các đường ống khí đốt sẽ có thể bị tấn công.

Der Spiegel nói rằng, Đức đang theo dõi hình ảnh vệ tinh ở hiện trường và dường như tin rằng nếu đây là vụ phá hoại thì có thể là do thợ lặn hoặc tàu ngầm mini đã cài thuốc nổ vào 2 đường ống.

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, xác nhận 2 đường ống bị hư hại ở mức chưa từng có tiền tệ và họ không thể ước tính thời điểm khôi phục hoạt động của công trình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra với đường ống. "Bất kỳ sự cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng đang hoạt động của châu Âu là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ nhất có thể", bà tuyên bố.

Những nguy cơ

Theo phía Đan Mạch, các lỗ rò rỉ trên đường ống rất lớn và có thể mất một tuần để khí đốt ngừng chảy ra khỏi Dòng chảy phương Bắc 2. Tàu thuyền có thể mất đi khả năng nổi nếu đi vào khu vực này.

Mặt biển hiện chứa toàn khí mê tan, đồng nghĩa với việc có thể xảy ra rủi ro phát nổ.

Thụy Điển cho biết, họ đang tiến hành theo dõi nhằm ngăn chặn các con tàu tiến quá gần khu vực xảy ra rò rỉ khí đốt.

Dù cả 2 đường ống hiện đều không cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng vụ việc đã dập tắt mọi hi vọng rằng châu lục này có thể nhận khí đốt từ Dòng chảy phương Bắc 1 trước mùa đông lạnh giá. Điều này có thể sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu diễn biến tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Một nguồn tin an ninh châu Âu nói rằng: "Có một số dấu hiệu cho thấy đây là hành vi phá hoại có chủ đích, nhưng còn quá sớm để kết luận. Bạn sẽ phải đặt câu hỏi rằng liệu ai sẽ hưởng lợi trong vụ việc này?".

Theo Reuters, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine