1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Châu Âu chật vật xoay xở trước mùa đông khi Nga khóa van khí đốt

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chính phủ và người dân châu Âu đang phải vật lộn để vượt qua mùa đông lạnh giá trong bối cảnh nguồn cung năng lượng từ Nga bị hạn chế.

Châu Âu chật vật xoay xở trước mùa đông khi Nga khóa van khí đốt - 1

Nhân viên lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà ở Tây Ban Nha (Ảnh: AP).

Khi châu Âu đang dần bước vào mùa đông giữa cuộc khủng hoảng năng lượng, các văn phòng ngày càng trở nên lạnh hơn. Các tượng đài và các tòa nhà lịch sử chìm trong bóng tối. Những người làm bánh không đủ nhiệt để làm nóng lò đang suy nghĩ về khả năng từ bỏ công việc, trong khi những người trồng rau quả phải đối mặt với nguy cơ các nhà kính không hoạt động.

Ở Đông Âu, nơi có điều kiện kinh tế kém hơn, người dân đang tích trữ củi, trong khi ở Đức, quốc gia giàu có hơn, việc chờ đợi một máy bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng có thể mất nửa năm. Các doanh nghiệp cũng không biết họ có thể cầm cự được bao lâu.

"Chúng tôi không thể tắt đèn và bắt khách hàng ngồi trong bóng tối", Richard Kovacs, giám đốc phát triển kinh doanh của chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt tại Hungary, Zing Burger, cho biết.

Các nhà hàng đã hạn chế dùng lò nướng khi không quá cần thiết và sử dụng các cảm biến để tắt bớt đèn trong kho. Từ đầu năm đến nay, một số cửa hàng phải trả hóa đơn tiền điện tăng 750%.

Trong bối cảnh giá cả tăng cao và nguồn cung năng lượng eo hẹp, châu Âu đã tung ra các gói hỗ trợ và chạy đua tìm kiếm nguồn cung năng lượng để chuẩn bị cho mùa đông tới.

Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp này có đủ để giúp châu Âu vượt qua khó khăn sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên cần thiết để sưởi ấm nhà cửa, vận hành các nhà máy và sản xuất điện xuống còn 1/10 so với trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga đã biến cuộc chiến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng, với giá cả tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây và dao động dữ dội.

Châu Âu chật vật xoay xở trước mùa đông khi Nga khóa van khí đốt - 2

Một số tiệm bánh mì phải cắt giảm hoạt động do khủng hoảng năng lượng. Trong ảnh: Nhân viên đẩy bánh mì vào lò nướng ở Đức (Ảnh: AP).

Các chính phủ châu Âu đã nỗ lực chạy đua để tìm nguồn cung mới và tiết kiệm năng lượng, với các kho khí đốt đã đầy 86%, vượt mục tiêu đạt 80% trước tháng 11. Châu Âu cũng cam kết hạn chế sử dụng khí đốt ít hơn 15%, có nghĩa là tháp Eiffel sẽ chìm vào bóng tối sớm hơn một giờ so với bình thường, trong khi các cửa hàng và tòa nhà tắt đèn vào ban đêm hoặc giảm nhiệt độ.

Khả năng chịu đựng của châu Âu rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào việc mùa đông lạnh tới mức nào và tình hình ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm hoạt động, từ đó giảm bớt cạnh tranh trong việc tìm nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, ngay cả khi châu Âu có đủ khí đốt vào mùa đông này, giá cả leo thang vẫn buộc người dân và doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng ít hơn và một số cơ sở sử dụng nhiều năng lượng như nhà máy sản xuất thủy tinh phải đóng cửa.

Đây cũng là một quyết định khó khăn đối với các doanh nghiệp trồng rau và trái cây ở Hà Lan, nguồn cung thực phẩm chính của châu Âu trong mùa đông. Họ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: Đóng cửa nhà kính hoặc chịu lỗ sau khi chi phí sưởi ấm bằng khí đốt và đèn điện tăng vọt.

Bosch Growers, công ty trồng ớt xanh và quả mâm xôi, đã phải lắp thêm lớp cách nhiệt, cho một nhà kính tạm nghỉ và thử nghiệm vận hành với nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên, điều này khiến sản lượng thấp hơn và quả mâm xôi mất nhiều thời gian hơn để chín.

Ở Bulgaria, quốc gia nghèo nhất trong số 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), giá năng lượng tăng cao buộc các gia đình phải cắt giảm chi tiêu trước mùa đông để đảm bảo có đủ tiền mua thực phẩm và thuốc men. Hơn 1/4 trong số 7 triệu dân không có đủ tiền để sưởi ấm nhà cửa. Gần một nửa số hộ gia đình phải sử dụng củi vào mùa đông như một loại nhiên liệu rẻ nhất và dễ tiếp cận nhất.

Các chính phủ châu Âu đã tìm cách bổ sung nguồn cung khí đốt từ các đường ống chạy đến Na Uy và Azerbaijan, đồng thời tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng tàu biển, phần lớn từ Mỹ. Đồng thời, EU đang cân nhắc các biện pháp can thiệp quyết liệt như đánh thuế lợi nhuận thu được từ các công ty năng lượng và cải tạo thị trường điện để chi phí khí đốt tự nhiên ít đóng vai trò hơn trong việc xác định giá điện.

Theo AP