1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cả 2 đường ống khí đốt từ Nga sang Đức rò rỉ, nghi bị tấn công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sự cố rò rỉ xảy ra đồng loạt trên 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 nối từ Nga tới Đức qua biển Baltic, làm dấy lên nghi ngờ đây là vụ tấn công có chủ đích.

Cả 2 đường ống khí đốt từ Nga sang Đức rò rỉ, nghi bị tấn công - 1

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 chảy từ Nga sang Đức (Ảnh: Reuters).

RT đưa tin, áp suất trong đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã giảm đột ngột vào sáng sớm 27/9.

Đan Mạch xác nhận đã có sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 gần khu vực duyên hải đảo Bornholm tại biển Baltic và họ đã ngừng các hoạt động lưu thông hàng hải ở khu vực. Tuy nhiên, Đan Mạch không nêu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Vào cùng ngày, áp suất tại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cũng đã giảm xuống.

Sau đó, cơ quan Hàng hải Thụy Điển hôm 27/9 cho biết, họ đã đưa ra cảnh báo về hai lỗ rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch, ngay gần lỗ rò rỉ của Dòng chảy phương Bắc 2. Thụy Điển không công bố lý do sự cố.

Cả 2 đường ống này đều chạy từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Cả Nga và Đức chưa lên tiếng về nguyên nhân vụ việc.

Trong khi đó, báo Tagesspiegel của Đức dẫn nguồn thạo tin cho biết, phía Berlin dường như coi các vụ rò rỉ tại 2 đường ống khí đốt không phải là ngẫu nhiên mà có thể là do động thái "tấn công có chủ đích".

Theo báo trên, một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào đường ống dưới đáy biển thường sẽ liên quan tới lực lượng đặc nhiệm, thợ lặn hải quân hoặc tàu ngầm.

Tagesspiegel cho biết, chính phủ Đức dường như đã vạch ra 2 nghi vấn về nguyên nhân của vụ rò rỉ. Thứ nhất, Ukraine hoặc lực lượng "có liên kết với Ukraine" có thể liên quan tới vụ việc. Thứ 2, Nga có thể thực hiện động thái "cờ giả" để làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Ukraine và đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên cao.

Tuy nhiên, đây hoàn toàn chỉ là phỏng đoán và chưa có bất cứ bằng chứng nào được đưa ra liên quan tới vụ việc.

Cả 2 đường ống khí đốt từ Nga sang Đức rò rỉ, nghi bị tấn công - 2

Sơ đồ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (màu xanh) và 2 (màu tím) (Ảnh: Gazprom).

Dòng chảy phương Bắc 1 được xây dựng vào năm 2011, cho phép Nga cung cấp khí đốt tự nhiên trực tiếp đến Đức mà không cần phải quá cảnh qua Ukraine hoặc Ba Lan. Từ cuối tháng 8, Nga đã khóa van đường ống này, viện dẫn lỗi kỹ thuật vì các lệnh trừng phạt do phương Tây ban hành đối với Moscow.

Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ lệnh trừng phạt, đường ống này mới có thể được sửa chữa và vận hành trở lại. EU cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.

Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu vào năm 2018, nhưng bị cản trở bởi áp lực chính trị - và các lệnh trừng phạt kinh tế - từ phương Tây. Đường ống được hoàn thành và tăng áp vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, Đức chưa cấp phép cho đường ống hoạt động và viễn cảnh đường ống này đi vào vận hành là không cao khi căng thẳng Nga - phương Tây đang leo thang vì tình hình chiến sự ở Ukraine.

Hiện thời, khí đốt Nga chỉ có thể chảy qua Đức và Trung Âu thông qua các đường ống quá cảnh qua Ba Lan và Ukraine.

Hồi giữa tháng, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố sẽ mở đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2 từ Nga đến Trung Quốc để thay thế đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine