1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU tung "vũ khí" làm khó Nga xuất khẩu dầu ra thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngoài bổ sung lệnh cấm vận với dầu nhập khẩu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng có bước đi khác nhằm khiến Moscow gặp khó khăn trong việc đưa dầu đi ra thị trường toàn cầu.

EU tung vũ khí làm khó Nga xuất khẩu dầu ra thế giới - 1

Một cơ sở lọc dầu của Nga (Ảnh: Reuters).

Trong gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã thống nhất về lộ trình dừng nhập 90% dầu từ Moscow trong năm nay. Đây được xem là một trong những lệnh cấm vận mạnh mẽ nhất phương Tây áp lên Nga trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong gói trừng phạt mới nhất của EU, còn có một biện pháp được xem là cũng sẽ gây tác động mạnh tới Nga. Cụ thể, EU đã cấm các công ty của các nước thành viên liên minh được "bảo hiểm và cung cấp tài chính cho việc vận chuyển" dầu của Nga tới các nước thứ ba sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tháng. Hay nói cách khác, EU đã cấm các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm cho tàu dầu Nga.

Điều này có thể khiến Nga gặp khó trong việc vận chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày cho các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như toàn cầu vì các công ty lớn cung cấp dịch vụ bảo hiểm phần nhiều nằm ở EU.

Chuyên gia thị trường Matt Smith cho rằng, việc nhằm mục tiêu vào hạng mục bảo hiểm là cách tốt nhất để có thể ngăn chặn luồng dầu thô xuất khẩu của Nga thay vì chỉ chuyển hướng chúng.

Anh có thể cũng sẽ tham gia vào biện pháp trừng phạt của EU. Đây được xem là động thái tác động mạnh hơn tới Nga khi Anh từ lâu vốn là trung tâm của thị trường bảo hiểm hàng hải.

Trong thời gian qua, Nga đã đối phó với việc châu Âu giảm mua dầu của Moscow bằng cách thu hút khách hàng khác với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, nếu như các con tàu vận tải không có bảo hiểm cho các chuyến giao hàng, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới Nga.

Chuyên gia cho rằng, động thái của EU sẽ làm khó Nga trong nỗ lực chuyển hướng dầu xuất khẩu từ EU sang Ấn Độ và Trung Quốc về cả khía cạnh chính trị và kinh tế.  

Trong vài tháng qua, Nga đã tăng vọt sản lượng dầu xuất khẩu sang 2 thị trường lớn ở châu Á để đối phó với các lệnh cấm từ EU. Vì vậy, động thái mới của châu Âu là nhằm đối phó với tình trạng này.

Các tàu hàng không có bảo hiểm sẽ không được phép đi vào các cảng lớn, hoặc di chuyển qua các tuyến vận tải quan trọng như eo biển Bosporus hoặc kênh đào Suez. Nó sẽ không chỉ tác động tới Nga mà còn ảnh hưởng tới nhiều nhóm đối tượng khác trong giao dịch với Moscow.

Chuyên gia nhận định rằng, EU đang biến bảo hiểm trở thành "vũ khí" nhằm tác động tới Nga.

Mặc dù vậy, Nga tuyên bố sẽ đối phó với động thái của EU bằng cách dựa vào các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Reuters cho biết Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Nga - một doanh nghiệp quốc doanh - hiện là nhà tái bảo hiểm chính cho các tàu của Nga.

Chuyên gia cho rằng, động thái của EU sẽ làm khó Nga, nhưng không thể cấm hoàn toàn được dầu Moscow.

Mặt khác, động thái của châu Âu không phải là không có rủi ro. Việc cố gắng đẩy dầu của Nga - một trong những cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới - ra khỏi thị trường, sẽ có nguy cơ đẩy giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng vọt trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang nỗ lực xử lý tình trạng lạm phát kỷ lục.

"Nga sẽ mất doanh thu nhưng Mỹ và châu Âu cũng sẽ chịu thiệt hại vì giá dầu toàn cầu tăng", chuyên gia kinh tế Olivier Blanchard cảnh báo.

Theo Tổng hợp
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm