Nga cáo buộc Mỹ dùng "tiêu chuẩn kép" khi vẫn mua dầu sau lệnh cấm vận
(Dân trí) - Nhà lập pháp hàng đầu của Nga cáo buộc Mỹ sử dụng "tiêu chuẩn kép" khi vẫn mua dầu của Moscow nhưng lại gây áp lực để châu Âu cấm năng lượng Nga.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin ngày 8/6 đã chỉ trích chính sách của Mỹ khi tuyên bố cấm nhập dầu Nga nhưng sau đó vẫn tiếp tục mua với lượng lớn.
Washington hồi đầu tháng 3 thông báo sẽ hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga, một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than như một phần của lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Khi đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng dầu Nga sẽ không được chấp nhận ở cảng Mỹ. Nhưng tuyên bố đó không đi kèm với hành động", ông Volodin viết trên trang Telegram cá nhân.
Nhà làm luật Nga dẫn dữ liệu của Bộ Năng lượng Mỹ nói rằng, "lượng dầu từ Nga tăng gần gấp đôi trong tháng 3 so với tháng 2 - tương ứng từ 2,325 lên 4,218 triệu thùng".
Dù bị Washington áp lệnh cấm, nhưng Nga "đã tăng từ hạng 9 lên hạng 6 trong danh sách những nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Mỹ", ông Volodin nói.
Nghị sĩ Nga cáo buộc rằng, Mỹ đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi vẫn nhập khẩu dầu Nga nhưng lại gây áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) cấm mặt hàng trên.
Sau nhiều tuần thảo luận, EU đã đồng thuận với gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga hồi cuối tháng trước, trong đó có lệnh cấm dầu Nga. EU tuyên bố dừng nhập ngay lập tức 75% dầu Nga, và hướng tới mục tiêu 90% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Hungary và một số nước đã được miễn trừ vì sự phụ thuộc quá lớn vào năng lượng Nga.
Tuần trước, Tổng thống Biden gợi ý rằng Mỹ có thể sẽ mua dầu Nga sau khi lệnh cấm từ EU có thể sẽ làm giá dầu của Moscow giảm xuống.
"Người Nga có nhu cầu quá lớn về việc bán dầu (sau lệnh cấm của EU) và nó sẽ được bán với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường đang tạo ra", ông Biden nhận định.
Tuy nhiên, Nga tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của ông Biden. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng, Moscow sẽ không bán dầu mà không thu được lợi nhuận. "Nhu cầu có thể giảm ở một khu vực nhưng tăng ở chỗ khác. Chuỗi cung ứng sẽ được định hướng lại", ông Peskov khẳng định.
Châu Âu tăng nhập dầu Nga sau chiến sự ở Ukraine
Trong một diễn biến khác, báo Economist dẫn dữ liệu từ công ty Argus Media cho biết, lượng dầu Nga cung cấp cho EU đã tăng 14% vào tháng 4 so với tháng 1, tức là sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo báo này, lệnh cấm mới nhất của EU sẽ nhằm vào dầu Nga vận chuyển qua đường biển. Dầu cấp qua đường ống tới một số quốc gia ở Trung và Đông Âu vẫn đang được miễn trừ.
Đức là quốc gia duy nhất giảm nhập dầu Nga qua đường ống Druzhba kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Druzhba là đường ống dầu dài nhất và lớn nhất trên thế giới, chuyển năng lượng từ Nga tới các nhà máy lọc dầu ở Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Séc và Slovakia tuyên bố ủng hộ việc cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga qua Druzhba, nhưng muốn một lộ trình 2-3 năm để họ điều chỉnh nguồn cung. Trong khi đó, Hungary phản đối việc cấm dầu Nga hoàn toàn vì cho rằng điều đó sẽ giống như "ném bom nguyên tử" vào nền kinh tế nước này.
Theo Economist, có rất ít "động lực tài chính để các nhà máy lọc dầu từ bỏ nguồn cung từ Nga", khi giá dầu thô Urals của Moscow hiện đang rẻ hơn so với dầu Brent.