1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điểm hạn chế của tên lửa tầm xa Mỹ cấp cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra điểm hạn chế trên tên lửa ATACMS biến thể chứa đạn chùm mà Mỹ viện trợ cho Ukraine trong nỗ lực xuyên phá phòng tuyến Nga.

Điểm hạn chế của tên lửa tầm xa Mỹ cấp cho Ukraine - 1

Một hệ thống hỏa lực M270 phóng tên lửa ATACMS (Ảnh: Lục quân Mỹ).

Ngày 17/10, cả Mỹ và Ukraine xác nhận Washington đã cấp cho Kiev tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km. Ukraine tuyên bố đã sử dụng tên lửa này tấn công 2 căn cứ ở các khu vực Nga đang kiểm soát, phá hủy 9 trực thăng, kho đạn và thiết bị quân sự của đối phương.

Theo nguồn tin từ giới chức phương Tây, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine tên lửa ATACMS phiên bản M39, có chứa đạn chùm bên trong. Khi khai hỏa một quả tên lửa, gần 1.000 quả đạn nhỏ phía trong sẽ phân tán ra, gây thiệt hại trên một khu vực rộng lớn.

Đây được xem là lý do mà M39 có thể tàn phá trên diện rộng, phá hủy các mục tiêu của đối phương như hệ thống pháo, tổ hợp phòng không, kho vũ khí… Với M39, Ukraine có thể tấn công sâu hơn vào khu vực mà Nga kiểm soát.

Tuy nhiên, theo Forbes, M39 vẫn có những điểm thiếu sót, ví dụ như nó khó có thể phá hủy các phương tiện chiến đấu được bảo vệ kiên cố của đối phương.

Do M39 ưu tiên tấn công trên diện rộng bằng cách bung các quả đạn nhỏ bên trong ra, nên sức công phá của mỗi quả là chưa đủ để gây thiệt hại nặng cho xe tăng.

M39 nặng 2 tấn, dài gần 4m với động cơ tên lửa rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn con M74. Nó có thể được bắn ra bằng hệ thống hỏa lực HIMARS hoặc M270.

Lục quân Mỹ có hàng trăm quả M39 đã hết hạn hoặc sắp hết hạn. Trước đó, nhiều chuyên gia kêu gọi Mỹ viện trợ những quả tên lửa này cho Ukraine và Washington đã âm thầm thực hiện việc này, động thái dường như khiến Nga gặp bất ngờ chiến thuật.

Fighterbomber, kênh Telegram do một cựu phi công Nga vận hành, không nêu rõ số lượng trực thăng của Moscow đã bị phá hủy, nhưng nhận định vụ tấn công vào sân bay quân sự ngày 16-17/10 của Ukraine là "một trong những vụ tập kích nghiêm trọng nhất từ đầu chiến sự tới nay" với Nga.

Thiếu tá quân đội Mỹ James Hutton cho hay, M39 và đạn con M74 có hiệu quả cao khi tấn công các mục tiêu trên diện rộng.

"Khi va chạm và phát nổ, mỗi quả M74 sẽ vỡ thành nhiều mảnh thép tốc độ cao, có thể phá hủy lốp xe tải, đạn tên lửa, xe có vỏ mỏng và ăng-ten radar", ông Hutton cho hay.

Nhưng ông cho rằng, một đội quân không nên lãng phí tên lửa M39 trị giá hàng triệu đô la cho một trung đoàn xe tăng vì các quả đạn con này không hiệu quả với xe bọc thép.

Không phải vô cớ mà vào cuối những năm 1990, Quân đội Mỹ đã phát triển một phiên bản của tên lửa ATACMS có thể mang theo 13 loại đạn chống tăng dẫn đường. Cuối cùng, vì vấn đề kinh phí, Mỹ đã tạm gác dự án lại.

Mặc dù vậy, theo Forbes, với M39, Ukraine được cung cấp khả năng phá hủy trên diện rộng vũ khí, khí tài Nga. Điều này có thể buộc phía Moscow bố trí lại vũ khí, khí tài quân sự, kho đạn ra xa tiền tuyến hơn nữa, đồng thời không tập trung nhiều thiết bị vào một khu vực, tránh bị phá hủy số lượng lớn nếu M39 tấn công. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm