1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Uy lực đáng gờm của tên lửa tầm xa được Mỹ cấp cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ tiết lộ thêm về tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine tuyên bố đã sử dụng để tấn công căn cứ của Nga ở các khu vực mà Moscow kiểm soát.

Uy lực đáng gờm của tên lửa tầm xa được Mỹ cấp cho Ukraine  - 1

Tên lửa ATACMS (Ảnh: Lockheed Martin).

New York Times dẫn nguồn tin từ 2 quan chức phương Tây cho hay, Mỹ dường như đã gửi cho Ukraine 20 tên lửa ATACMS có tầm tấn công 165km.

Ukraine vào tối 16 và rạng sáng 17/10 đã sử dụng một số tên lửa để tấn công vào sân bay quân sự ở 2 khu vực do Nga kiểm soát tại mặt trận miền Đông và Đông Nam.

Kiev tuyên bố đã phá hủy của Nga 9 trực thăng, cùng hàng loạt thiết bị quân sự cùng kho đạn, nhưng Moscow chưa lên tiếng về thông tin này. Mỹ xác nhận đã gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine và Kiev cũng gửi lời cảm ơn tới Washington.

Theo báo Mỹ, điều kiện mà Washington đưa ra để gửi cho Ukraine tên lửa là Kiev không được sử dụng chúng tấn công vào lãnh thổ Nga. Điều kiện này không bất ngờ vì trước đó Mỹ từng đắn đo rất lâu liên quan tới việc viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine, do lo ngại xung đột có thể leo thang vượt tầm kiểm soát.

New York Times cho biết: " Sau nhiều thông tin cho biết Mỹ đã có quyết định cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, việc chuyển vũ khí được thực hiện bí mật vì lo ngại rằng chúng có thể bị Nga tấn công khi vận chuyển vào Ukraine. Ngoài ra, Ukraine còn muốn khiến người Nga mất cảnh giác".

Ngoài ra, các nguồn tin khác cho hay, dòng tên lửa ATACMS mà Mỹ gửi cho Ukraine dường như là vũ khí có đạn chùm.

Khi quả tên lửa được bắn ra, sẽ có 950 quả đạn chùm nhỏ văng ra bên ngoài, gây phá hủy trên một khu vực rộng lớn. Đó có thể là lý do vì sao mà Ukraine có thể gây thiệt hại cho số lượng lớn vũ khí Nga ở sân bay quân sự.

Đạn chùm là vũ khí gây tranh cãi vì có thể gây nguy hiểm dài lâu cho dân thường và bị hơn 100 nước trên thế giới cấm sử dụng. Tuy nhiên, cả Nga, Mỹ và Ukraine đều không cấm loại vũ khí này.

Hồi tháng 8, Dan Rice, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, nhận định rằng các tên lửa tầm xa chứa đạn chùm bắn từ HIMARS có thể sẽ là chìa khóa giúp Ukraine xuyên qua mạng lưới phòng tuyến kiên cố của Nga. 

Theo Newsweek, ông Rice, người đang giữ chức chủ tịch Đại học Mỹ Kiev, được xem đã có tác động nhất định tới quyết định của Nhà Trắng hồi tháng 7 nhằm cung cấp cho Ukraine đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) - tên gọi khác của bom chùm.

Theo ông Rice, các rocket chứa đạn chùm sẽ cho phép binh sĩ Ukraine "săn lùng" pháo binh Nga - vũ khí gây ra thương vong lớn hàng đầu cho Kiev.

Pháo là một trong những lớp phòng thủ mạnh mẽ nhất của Nga. Khi Ukraine mở các mũi tấn công xuyên phá phòng tuyến, Nga sẽ nã hỏa lực tấn công phủ đầu.

Theo ông, tên lửa chứa đạn chùm bắn từ HIMARS sẽ giúp Ukraine hóa giải phần nào sự áp đảo hỏa lực của Nga trên tiền tuyến. Việc cấp loại rocket đạn chùm này không yêu cầu huấn luyện vì Ukraine đã sử dụng HIMARS trong cả năm qua.

Theo tính toán của ông Rice, so với đạn chùm 155mm Ukraine đang sở hữu, tên lửa ATACMS chứa đạn chùm sẽ tăng khả năng Ukraine đánh trúng các hệ thống pháo của Nga lên 88 lần.

Theo Ukrainska Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine