Ukraine lần đầu đăng video khai hỏa tên lửa ATACMS phá hủy 9 trực thăng Nga
(Dân trí) - Quan chức Ukraine đăng video đầu tiên ghi lại cảnh tên lửa ATACMS có tầm bắn 165km khai hỏa trong các cuộc tấn công mà Kiev tuyên bố đã phá hủy "9 trực thăng của Nga".
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi ngày 17/10 đã công bố đoạn video đầu tiên về tên lửa ATACMS mới do Mỹ cung cấp phục kích mục tiêu Nga.
Trước đó, Ukraine tuyên bố đã tiến hành một loạt cuộc tấn công vào các sân bay trên lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Berdiansk và Lugansk vào đêm 16/10, sáng sớm 17/10. Đoạn video dài vài chục giây cho thấy Ukraine phóng đi tên lửa có tầm tấn công 165km về phía Nga.
Phía Kiev tuyên bố các vụ tấn công nhằm vào khu vực do Nga kiểm soát đã phá hủy của đối phương 9 trực thăng, một bệ phóng phòng không, các phương tiện quân sự và kho đạn. Ngoài ra, Ukraine nói rằng đã làm hư hại các đường băng trong sân bay quân sự mà Nga đang quản lý ở mặt trận miền Đông.
Nga chưa bình luận về các thông tin mà Ukraine cung cấp.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson ngày 17/10 xác nhận: "Gần đây, Mỹ đã chuyển cho Ukraine một số tên lửa ATACMS có tầm bắn 165km. Đây là một phần trong gói hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine, giúp họ bảo vệ lãnh thổ".
Quan chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Ukraine mà không ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ".
Ukraine từ lâu đã đề nghị phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa, cho phép lực lượng của họ nhắm mục tiêu vào các vị trí của Nga nằm sâu phía sau tiền tuyến.
Việc Mỹ đồng ý cấp tên lửa ATACMS dùng trên HIMARS cho Ukraine được xem là sự thay đổi lớn trong bối cảnh Washington từng lo ngại động thái này sẽ khiến xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/10 đã cảm ơn Mỹ về ATACMS, nói rằng các loại vũ khí này "đã tự chứng minh năng lực" trong vụ tấn công cùng ngày.
ATACMS là hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất có các phiên bản khác nhau, với tầm bắn lên tới 300km. Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn. Tuy nhiên, có thể Lầu Năm Góc chỉ cung cấp cho các đồng minh phiên bản ATACMS đầu đạn đơn với đương lượng nổ cao.
Nó có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Washington đã cấp cho Ukraine, cũng như các hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Anh và Đức viện trợ.
Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin từ 4 quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ phê duyệt việc viện trợ tên lửa tầm xa chứa đạn chùm tới Ukraine.
Dan Rice, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, nhận định rằng các rocket tầm xa chứa đạn chùm bắn từ HIMARS có thể sẽ là chìa khóa giúp Ukraine xuyên qua mạng lưới phòng tuyến kiên cố của Nga.
"Nếu Ukraine có 2.000 rocket chứa đạn chùm, tôi nghĩ chiến sự (với Nga) sẽ kết thúc", ông Rice - người từng là cố vấn của ông Valerii Zaluzhnyi - nhận định.
Theo ông Rice, các rocket chứa đạn chùm sẽ cho phép binh sĩ Ukraine "săn lùng" pháo binh Nga - vũ khí gây ra thương vong lớn cho Kiev.