1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chạy đua cấp tốc tháo "ngòi nổ" Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh các cuộc gặp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng khi biên giới Nga - Ukraine ngày càng nóng lên.

Cuộc chạy đua cấp tốc tháo ngòi nổ Nga - Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung tại Berlin ngày 8/2 (Ảnh: AFP).

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, các nỗ lực ngoại giao đã bắt đầu khởi sắc, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kiev và Moscow hồi đầu tuần.

Sau các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Macron hôm 8/2 cho biết ông đã nhìn thấy con đường hạ nhiệt căng thẳng ở phía trước.

Theo Tổng thống Pháp, nhà lãnh đạo Nga đã nói với ông rằng, Moscow "không phải là gốc rễ của sự leo thang".

Trong khi phương Tây cáo buộc Nga ồ ạt đưa 100.000 binh sĩ tới gần biên giới Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết "ngoại giao vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt căng thẳng".

Những tín hiệu khả quan hơn cũng được phát đi từ Moscow. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, "có những tín hiệu tích cực cho thấy một giải pháp cho vấn đề Ukraine có thể chỉ cần dựa trên việc thực hiện thỏa thuận Minsk".

Thủ tướng Scholz cho biết ông đã nhận thấy sự tiến triển trong vấn đề Ukraine sau một loạt cuộc đàm phán ở nhiều cấp độ khác nhau.

"Nhiệm vụ là chúng tôi đảm bảo an ninh ở châu Âu và tôi tin rằng điều đó sẽ đạt được", ông Scholz nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.

Tổng thống Macron ngày 9/2 đã thông báo ngắn gọn với Tổng thống Mỹ Joe Biden về các cuộc hội đàm của ông với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Ngay cả khi các nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 9/2 cảnh báo Nga vẫn đang tiếp tục đưa quân tới biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar cho biết lực lượng Nga ở biên giới dường như không sẵn sàng để phát động một cuộc tấn công tổng lực, thay vào đó họ được triển khai chủ yếu để "gây áp lực chính trị" trong giai đoạn này.

Thủ tướng Scholz dự kiến sẽ có cuộc họp với lãnh đạo của các nước Baltic vào ngày 10/2. Ông cũng đang đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao để trấn an các đồng minh rằng, Đức sẽ không phải là mắt xích yếu nhất trong liên minh đối phó với Nga.

Chưa đầy 24 giờ sau chuyến công du tới Washington, Thủ tướng Scholz vào cuối ngày 8/2 đã xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Pháp để tuyên bố sự thống nhất châu Âu trong mục tiêu ngăn chặn chiến tranh. Ông Scholz sẽ tới Kiev và sau đó là Moscow vào tuần tới, nơi ông sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với ông Putin.

Anh cũng tăng cường hành động khi khủng hoảng Ukraine leo thang. Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã tới Moscow hôm 9/2 để đưa ra thông điệp rằng, Nga phải chọn con đường hòa bình ở Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Putin đã tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Macron rằng, Nga sẽ "làm mọi cách để tìm ra giải pháp thỏa hiệp phù hợp với tất cả các bên". Ông Putin cho biết một số đề xuất do ông Macron đưa ra có thể "tạo nền tảng cho các bước tiếp theo" nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine.

Lầu Năm Góc hôm 9/2 cho biết Nga điều động 30.000 quân, 2 tiểu đoàn hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và nhiều máy bay chiến đấu đến Belarus, nước láng giềng với Ukraine, để tham gia cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định việc triển khai lực lượng của Nga ở Belarus là có thời hạn và việc rút quân luôn nằm trong kế hoạch. Tổng thống Putin đã nói với Tổng thống Macron trong tuần này rằng quân đội Nga sẽ rời Belarus khi cuộc tập trận kết thúc vào ngày 20/2.

Theo www.straitstimes.com