Mỹ lên kế hoạch sơ tán công dân nếu Nga "động binh" với Ukraine
(Dân trí) - Binh sĩ Mỹ tại Ba Lan đang chuẩn bị kế hoạch để hỗ trợ các công dân Mỹ sơ tán về nước nếu xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ hôm 9/2 cho biết, quân đội Mỹ sẽ không được phép tiến vào lãnh thổ Ukraine để sơ tán công dân nước này. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ sẽ thiết lập các cơ sở tạm thời bên trong lãnh thổ Ba Lan để đón người tháo chạy khỏi Ukraine trong tình huống nổ ra xung đột Nga - Ukraine.
Lầu Năm Góc cho biết khoảng 1.700 binh sĩ, chủ yếu thuộc Sư đoàn Dù số 82, đang triển khai từ Fort Bragg, Bắc Carolina, đến Ba Lan.
Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch trên đã được Nhà Trắng thông qua. Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng của Mỹ.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức hôm 8/2, Tổng thống Joe Biden khuyến cáo công dân Mỹ rời khỏi Ukraine giữa lúc căng thẳng leo thang. "Tôi không muốn chứng kiến cảnh họ bị trúng đạn nếu xung đột xảy ra", ông Biden nói.
Tổng thống Biden thừa nhận Nga có khả năng tấn công quân sự Ukraine, nhưng cho biết ông không chắc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có triển khai kế hoạch này hay không. Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt để sẵn sàng "giáng đòn" với Nga nếu xung đột xảy ra với Ukraine.
Trong cảnh báo trên trang chủ ngày 26/1, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev nói rằng, tình hình an ninh ở Ukraine "có thể xấu đi nhanh chóng", do đó cơ quan này khuyến cáo công dân Mỹ tại đây nghiêm túc cân nhắc rời Ukraine ngay.
Trước đó, Mỹ đã hối thúc công dân của mình không đến Ukraine và cũng thông báo kế hoạch rút bớt nhân viên ngoại giao cùng người thân của họ khỏi Ukraine, mặc dù Đại sứ quán Mỹ ở Kiev sẽ tiếp tục mở cửa.
Khuyến cáo được đưa ra giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Phương Tây cáo buộc Nga chuẩn bị "động binh" sau khi đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới của nước này. Để chuẩn bị cho kịch bản Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong đó có Anh, đã vận chuyển vũ khí giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng.
Từ đầu năm nay, hàng loạt máy bay vận tải của Mỹ đã hạ cánh xuống thủ đô Kiev, sau khi Tổng thống Joe Biden phê chuẩn khoản viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Ukraine. Chỉ trong tháng 1, Mỹ đã chuyển giao 79 tấn khí tài quân sự cho Ukraine, trong đó có khoảng 300 hệ thống chống tăng Javelin.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 7/2 đã tiết lộ quy mô viện trợ quân sự của phương Tây, ca ngợi "sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về kinh tế và chính trị" cho Ukraine. "Trong những tuần và tháng qua, chúng tôi đã nhận được hơn 1,5 tỷ USD và hơn 1.000 tấn vũ khí và khí tài", Ngoại trưởng Kubela cho biết.
Bất chấp những cảnh báo của phương Tây, Nga khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và việc Moscow điều động lực lượng trong phạm vi lãnh thổ là hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cũng cho rằng, phương Tây đang phóng đại mối nguy hiểm vì mục đích địa chính trị. Giới chức Ukraine nói rằng, mối đe dọa này đã tồn tại suốt 8 năm qua khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và mối đe dọa đó không hề gia tăng.