1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách Nga bảo vệ cầu Crimea khỏi các vụ tấn công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào cầu Crimea, Moscow huy động nhiều biện pháp nhằm bảo vệ công trình huyết mạch nối đất liền Nga với khu vực bán đảo.

Cách Nga bảo vệ cầu Crimea khỏi các vụ tấn công - 1

Cầu Crimea nối liền khu vực bán đảo và đất liền Nga (Ảnh: AFP).

Trong thời gian qua, cầu Crimea nối liền đất liền Nga với khu vực bán đảo liên tiếp trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine. Hai vụ tấn công thành công vào năm ngoái và năm nay đã phá hủy một phần công trình, buộc Nga phải gia tăng nỗ lực phòng thủ để bảo vệ cây cầu.

Theo tình báo phương Tây, ngoài các biện pháp bảo vệ sẵn có, Nga được cho đang sử dụng nhiều chiến thuật mới như sử dụng thiết bị tạo màn khói, đánh chìm phà và dựng cả rào chắn nổi để ngăn chặn các vũ khí tấn công công trình.

Các biện pháp này nhằm ngăn chặn các xuồng không người lái tấn công cây cầu dài 18km - tuyến tiếp tế hậu cần chiến lược của Nga ở chiến trường miền Nam Ukraine. 

Tổng cục Tình báo chính của Bộ Quốc phòng Ukraine (GUR) tháng trước cho biết, Moscow được cho có kế hoạch đánh chìm ít nhất 6 phà ở eo biển Kerch trong nỗ lực bảo vệ cầu huyết mạch nối giữa bán đảo Crimea và đất liền Nga khỏi các vụ tấn công bằng xuồng tự sát không người lái.

Hồi đầu tuần, hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga dường như đã thực hiện biện pháp này, theo Business Insider.

Theo tình báo phương Tây, 6 con phà bị chìm cách nhau khoảng 160m. Ukraine không nói rõ Nga đánh chìm phà bằng cách nào. Kiev cho rằng, Nga "định đặt các rào chắn giữa các con phà đắm" để tạo ra phòng tuyến trên biển bảo vệ cầu Crimea.

Tương tự như lưới chống ngư lôi, hệ thống rào chắn trên biển là các rào cản vật lý hoặc lưới vây quanh các mục tiêu cần bảo vệ trên biển, cửa vào cảng, eo biển khỏi nguy cơ bị tấn công. Hệ thống rào chắn bắt đầu được sử dụng từ thời Thế chiến II.

Ngoài ra, để bảo vệ cây cầu, Nga cũng sử dụng thiết bị tạo khói, trong một nỗ lực khiến cây cầu trở thành mục tiêu khó tấn công hơn.

Khói ngụy trang có tác dụng cản trở đối phương quan sát mục tiêu. Ngoài ra, các đám khói này cũng có các chất hóa học có khả năng làm các thiết bị quang điện bị giảm khả năng hoạt động, từ đó khiến các vũ khí có khả năng tấn công chính xác cao bị giảm hiệu quả nhằm vào mục tiêu.

Nga có khả năng điều chỉnh thời lượng và mật độ của đám khói theo các yêu cầu cụ thể. Một đám khói ngụy trang có thể được duy trì từ 2 đến 6 giờ.

Ngoài ra, Nga sử dụng các hệ thống phòng không như S-300, S-400 để đối phó máy bay không người lái, tên lửa hành trình nhằm vào cây cầu.

Nga cũng huy động các hệ thống rào chắn nổi - thiết bị thường dùng để kiểm soát dầu loang - như một biện pháp ngăn chặn các xuồng không người lái tự sát lao tới cây cầu. 

Theo giới quan sát, vụ việc cầu Crimea và một số vụ Hạm đội Biển Đen của Nga bị tấn công trước đó đã cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ chiếm ưu thế áp đảo trước Ukraine.

Scott Savitz, nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định các xuồng tự sát gắn thuốc nổ của Ukraine có thể được xem là vũ khí đáng gờm chống lại các hạm đội và thậm chí cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở Biển Đen.

Cách Nga bảo vệ cầu Crimea khỏi các vụ tấn công - 2

Hình ảnh vệ tinh được cho chụp lại các phà mà Nga đánh chìm để bảo vệ cầu Crimea (Ảnh: BI).

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine