1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Crimea sẽ định đoạt xung đột Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Một cựu tướng của Mỹ nhận định, việc giành lại quyền kiểm soát Crimea vẫn là mục tiêu hàng đầu của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Lý do Crimea sẽ định đoạt xung đột Nga - Ukraine - 1

Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga (Ảnh: Reuters).

"Mặt trận trên bộ của cuộc phản công này rõ ràng là nhằm mục đích cắt đứt hành lang nối Crimea với miền tây nước Nga, hoặc bằng cách giành quyền kiểm soát hoặc bằng hỏa lực", cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hodge nói với Newsweek ngày 30/8.

Hành lang trên bộ này là một trong những thành quả lớn nhất của Nga trong cuộc xung đột kéo dài 18 tháng qua ở Ukraine.

Moscow hiện kiểm soát chỉ một phần diện tích của 4 tỉnh mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 10 năm ngoái. Nếu Ukraine có thể giành lại các vùng lãnh thổ này trong cuộc phản công hiện nay, điều đó sẽ gây tổn thất cho Nga về mặt hậu cần cũng như ý nghĩa biểu tượng.

Dan Rice, cựu cố vấn của Tổng tư lệnh Ukraine Valeriy Zaluzhnyi, nói với Newsweek rằng trọng tâm hoạt động hiện tại của Kiev là hai cây cầu. Việc cắt đứt được cầu đất liền và cầu qua eo biển Kerch sẽ giúp cô lập và gây nguy hiểm cho các đơn vị của Nga ở Crimea cũng như miền Nam Ukraine.

Ông Hodges giải thích: "Một khi hạ được cầu qua eo biển Kerch, điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện đối với Crimea, đó là điều quan trọng nhất. Vấn đề nằm ở việc cô lập Crimea và sau đó sử dụng vũ khí tầm xa cần thiết để khiến Crimea không còn là căn cứ để hải quân và không quân Nga triển khai hoạt động".

Cầu (hành lang) đất liền có đoạn rộng chưa tới 160km. Quân đội Ukraine không nhất thiết phải tiến tới tận bờ biển Azov để gây khó khăn cho lực lượng Nga ở đó. Việc giành lại các khu định cư như Tokmak và Melitopol, nơi đóng vai trò là trung tâm tiếp vận, cũng sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng phòng thủ của Nga.

Ông Hodges cho biết vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, như tên lửa đạn chùm tầm xa được bắn từ hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do NATO sản xuất và hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 của Mỹ sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

"Những vũ khí đó sẽ rất nhanh chóng hạ gục pháo binh Nga. Nó cũng sẽ gây trở ngại rất lớn cho bất kỳ đoàn xe chở quân, đạn dược hoặc những thiết bị khác đi trên hành lang đất liền này", ông nói.

Một số quan chức phương Tây bày tỏ lo ngại về tham vọng mà Kiev từng tuyên bố nhiều lần: giành lại Crimea. Với Nga, Crimea là một thắng lợi mang tính biểu tượng, vì vậy, khi các quan chức phương Tây tính toán nguy cơ xung đột Nga - Ukraine leo thang, Crimea được đặc biệt chú ý.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã phát biểu hồi tháng 2 rằng việc kiểm soát bán đảo này là lằn ranh đỏ đối với Nga.

Moscow nhiều lần đưa ra những lời đe dọa hạt nhân nhằm chống lại Ukraine và các đồng minh phương Tây. Đầu năm nay, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng bất kỳ hành động tấn công nghiêm trọng nào nhằm giành quyền kiểm soát Crimea sẽ buộc Moscow phải sử dụng tất cả biện pháp bảo vệ, bao gồm cả những phương án liên quan tới hạt nhân.

Bất chấp các mối đe dọa, Kiev vẫn khẳng định ý định khôi phục toàn bộ lãnh thổ theo đường biên giới năm 1991, bao gồm cả Crimea. Các cuộc tấn công thường xuyên của máy bay không người lái và lực lượng đặc biệt trên bán đảo này và cầu Kerch gần đây đã cho thấy quyết tâm đó của Kiev. Đối với giới chức Ukraine, Crimea gần như là một phần của chiến trường.

"Người Ukraine biết rằng Crimea là trận chiến quyết định, tức là họ sẽ không bao giờ được an toàn hoặc được bảo đảm chừng nào Nga còn kiểm soát Crimea. Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng hải quân và không quân từ Crimea cũng như phóng tên lửa nhằm vào tất cả cảng biển của Ukraine", ông Hodges nói.

Lý do Crimea sẽ định đoạt xung đột Nga - Ukraine - 2

Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 (Bản đồ: Aljazeera).

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine