1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Bốn đề nghị của Ukraine phương Tây chưa thể đáp ứng

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine giữa lúc chiến sự với Nga căng thẳng. Tuy nhiên, có 4 đề xuất đến nay phương Tây vẫn chưa thể đáp ứng.

Bốn đề nghị của Ukraine phương Tây chưa thể đáp ứng - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

Trong các cuộc điện đàm và những bài phát biểu trực tuyến trước quốc hội một số nước, Tổng thống Ukraine đã liên tục kêu gọi sự hỗ trợ từ phương Tây để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Phương Tây đã phản hồi tích cực những đề xuất của Kiev, song có 4 đề xuất vẫn bị bỏ ngỏ do họ lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Hãng tin APA đã liệt kê 4 đề xuất này bao gồm: vùng cấm bay, hệ thống phòng không S-300, máy bay chiến đấu MiG, kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) hoặc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Vùng cấm bay

Hầu như trong tất cả các lời kêu gọi hỗ trợ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều có đề nghị phương Tây lập vùng cấm bay ở Ukraine. Ông cho rằng "đóng cửa bầu trời" sẽ giúp ngăn được các cuộc không kích của Nga.

"Chúng tôi đã nhắc lại điều này hàng ngày với các vị: Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine, ngăn chặn mọi tên lửa, mọi máy bay chiến đấu của Nga định bay vào đây", Tổng thống Zelensky nói.

Một vùng cấm bay được thiết lập trên bầu trời Ukraine có nghĩa sẽ cho phép sử dụng vũ lực (hoặc đe dọa sử dụng vũ lực) để ngăn máy bay Nga bay vào một số vùng trong không phận phía trên Ukraine, từ đó ngăn chặn các cuộc không kích của Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối đề nghị này do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lý giải: "Điều này sẽ đòi hỏi quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay của Nga nếu cần, nghĩa là chúng tôi có khả năng sẽ đối đầu quân sự trực tiếp với họ, điều mà chúng tôi không hề mong muốn".

Hệ thống phòng không S-300

Bốn đề nghị của Ukraine phương Tây chưa thể đáp ứng - 2

Hệ thống phòng không S-300 (Ảnh minh họa: Sputnik).

S-300 là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không có thể tấn công các mục tiêu cao hơn, xa hơn so với các tên lửa Stinger mà phương Tây đang viện trợ cho Ukraine.

Slovakia nhất trí sẽ cung cấp tổ hợp S-300 duy nhất của nước này giúp Ukraine đối phó các cuộc không kích của Nga nhưng với điều kiện NATO phải bù đắp cho Slovakia bằng vũ khí khác. Tuy vậy, đến nay, Mỹ và NATO đều chưa phản hồi về đề nghị này của Slovakia.

Một nguồn thạo tin của CNN trước đó cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm những quốc gia có sẵn hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất và tìm cách chuyển chúng đến Ukraine. Hiện tại Washington vẫn chưa biết tìm nguồn cung cấp tên lửa cho các hệ thống S-300 ở đâu, vì tên lửa chỉ được sản xuất bởi các công ty quốc phòng Nga.

Máy bay chiến đấu dòng MiG

Đầu tháng này, Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển phi đội gồm 28 máy bay chiến đấu MiG-29 đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức để Washington chuyển cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng đề xuất của Ba Lan không khả thi và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Mỹ và NATO đang cố gắng tránh việc phải đối đầu trực diện với Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Washington cũng cho rằng, việc chuyển máy bay MiG-29 cho Ukraine chỉ tạo thay đổi nhỏ trong tương quan lực lượng với Nga. "Máy bay không phải là những thứ mà đối tác Ukraine của chúng tôi cần kíp ưu tiên vào lúc này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định hôm 10/3.

Kết nạp thành viên của NATO, EU

Bốn đề nghị của Ukraine phương Tây chưa thể đáp ứng - 3

NATO chưa có kế hoạch sớm kết nạp Ukraine (Ảnh: NI).

Bất chấp kêu gọi của Ukraine, phương Tây đến nay vẫn chưa có kế hoạch sớm kết nạp nước này vào Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Nội bộ các liên minh này đang có sự chia rẽ liên quan đến việc đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine cũng như lộ trình giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Một số quốc gia Đông Âu và Baltic muốn EU ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên theo quy trình rút gọn nhưng các nước như Đức, Pháp, Hà Lan cho rằng việc kết nạp cần trải qua một quy trình chặt chẽ, mất ít nhất vài năm.

Cùng lúc đó, NATO dù bác bỏ yêu cầu của Nga về việc chấm dứt chính sách "mở cửa", nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tổ chức này sớm kết nạp Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích sự do dự của NATO và nói rằng ông không còn mặn mà với việc đưa Ukraine trở thành thành viên của khối vì nhận thấy không có cánh cửa nào mở cho Kiev.

Theo APA
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine