1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Binh sĩ Ukraine nêu lý do đằng sau làn sóng đào ngũ quy mô lớn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân nhân Ukraine chia sẻ với truyền thông phương Tây về nguyên nhân vì sao hàng loạt binh sĩ đào ngũ trong thời gian qua.

Binh sĩ Ukraine nêu lý do đằng sau làn sóng đào ngũ quy mô lớn - 1

Tân binh Ukraine tập trận ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine gần 3 năm trước, Viktor trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước mình. Anh đã tình nguyện phòng thủ ở Kiev khi xe tăng của Nga xuất hiện và sau đó gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine. Vào mùa xuân năm 2023, anh được điều động tới chiến đấu ở làng Tonenke, gần thành phố Avdiivka ở phía đông với tinh thần quyết tâm cao.

Tuy nhiên, dần dần anh trở nên vỡ mộng. Trận chiến diễn ra khốc liệt. "Người Nga nghiền nát các vị trí của chúng tôi thành bình địa", anh nói. Các chỉ huy cấp cao của Ukraine đưa ra những mệnh lệnh phi thực tế.

Sau đó, khi anh đang bảo vệ một tòa nhà đổ nát, một tấm ván rơi trúng vai anh. Sau khi tiêm thuốc giảm đau, anh được yêu cầu quay lại mặt trận. "Tôi nhận ra mình chẳng là ai cả. Chỉ là một con số", anh nói.

Vào tháng 5 cùng năm, Viktor quyết định rời vị trí chiến đấu để được điều trị y tế. Tuy nhiên, anh đã không quay trở lại. Chỉ huy của anh ghi nhận anh là đào ngũ.

Viktor là một trong hàng nghìn binh sĩ Ukraine đã rời bỏ đơn vị của mình mà không được phép. Con số chính xác là một bí mật quân sự, nhưng các quan chức thừa nhận số lượng khá lớn. Họ cho rằng điều này có thể hiểu được, khi những binh sĩ mệt mỏi đã chiến đấu suốt nhiều tháng mà không được nghỉ ngơi.

Vấn đề đào ngũ đã trở thành chủ đề được quan tâm ở Ukraine. Tuần trước, chính phủ đã mở cuộc điều tra về Lữ đoàn cơ giới số 155. Đây được kỳ vọng là đơn vị tinh nhuệ khi Pháp là bên trực tiếp huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng. Tuy nhiên, tình trạng đào ngũ hàng loạt đã xảy ra.

Cựu chỉ huy của đơn vị, Dmytro Riumshyn, đã bị bắt. Ông phải đối mặt với án tù 10 năm vì cáo buộc lơ là nhiệm vụ và không báo cáo các trường hợp vắng mặt trái phép.

Sau 3 năm chiến sự, Ukraine đang rơi vào tình trạng thiếu hụt binh sĩ trầm trọng, đặc biệt là lực lượng bộ binh. Điều này đã tạo điều kiện cho quân đội Nga tiến sâu hơn ở mặt trận miền Đông.

Quân đội Ukraine cũng có những vấn đề về cấu trúc. Các lữ đoàn mới được xây dựng vội vàng và hoạt động không hiệu quả. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã ra lệnh thay đổi chiến lược, đưa các tân binh thiếu kinh nghiệm chiến đấu vào các tiểu đoàn hiện có thay vì cố gắng lập ra các lữ đoàn mới.

Một số người đào ngũ sống kín đáo, trong khi những người khác sống và làm việc công khai. Viktor nói rằng anh đã quay lại lữ đoàn của mình vào tháng  8/2023 nhưng bị từ chối tiếp nhận. Từng là một tay súng bắn tỉa được đào tạo bài bản, giờ anh điều hành một gara ở miền tây Ukraine, nơi anh sửa chữa các phương tiện quân sự miễn phí.

Anh cho biết: "Ai cũng mệt mỏi rồi. Tâm trạng mọi người đã thay đổi. Trước đây, người dân ôm chào binh sĩ ngoài đường. Giờ họ lo sợ bị gọi nhập ngũ".

Viktor cho hay có sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực tuyến đầu. Vào tháng 2/2023, anh được nghỉ phép 10 ngày, nhưng chỉ một ngày sau khi về nhà, anh bị gọi quay lại khi Avdiivka bị tấn công. Hai người trong đơn vị của anh đã thiệt mạng, những người khác đều bị thương.

"Một người mất tay, người khác mất chân. Nhiều người bị trúng đạn. Không ai hoàn toàn ổn cả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hoàn thành được một số nhiệm vụ", anh nói.

Một người đào ngũ khác, Oleksii, cho biết anh từng chiến đấu ở các vùng Mykolaiv và Kherson phía nam. Anh mô tả một trận chiến hỗn loạn, với đạn bay khắp nơi, súng cối rơi xuống một bãi trống trong rừng và thiếu sự hỗ trợ pháo binh.

Trong mùa đông năm 2022, anh đã cãi nhau với một chỉ huy mới, nộp đơn xin chuyển đơn vị nhưng không thành công, và bị thương. "Tôi đạt đến điểm giới hạn. Vì vậy tôi quyết định đi đến nơi mà không ai có thể tìm thấy tôi", anh nói.

Kể từ đó, Oleksii sống trong cảnh lẩn trốn. "Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Có thể tôi sẽ bị bắt và bị đưa trở lại tiền tuyến", anh nói.

Anh cho biết sẽ cầm súng trở lại Nga tiến vào quê nhà của mình, hoặc nếu quân đội Ukraine thực sự cải tổ theo kiểu NATO, với các tướng lĩnh giỏi hơn. Khi được hỏi liệu anh có hạnh phúc không, anh trả lời: "Tôi vẫn còn sống. Càng kéo dài chiến sự, sẽ càng có nhiều người như tôi".

Những nỗ lực của Ukraine

Olha Reshetylova, ủy viên bảo vệ quyền lợi của binh sĩ Ukraine, cho biết bà hiểu lý do tại sao một số người lại đào ngũ.

"Hãy thành thật. Vấn đề này rất lớn. Đó là điều tự nhiên trong bối cảnh bạn đã trải qua ba năm chiến sự quy mô lớn. Mọi người đều kiệt sức. Họ muốn gặp lại gia đình. Con cái họ lớn lên mà không có họ. Các mối quan hệ bị rạn nứt. Vợ chồng không thể chờ đợi mãi mãi. Họ cảm thấy cô đơn", bà nói.

Bà cho biết nhiều binh sĩ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một xung đột nhỏ với sĩ quan cấp trên có thể khiến họ quyết định rời bỏ đơn vị. Ngoài ra còn có các chấn thương thể chất.

"Đây là một vấn đề phức tạp. Chúng ta không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp trừng phạt hình sự. Nếu phải chọn giữa việc bị thiệt mạng và bị bỏ tù, tất nhiên vào thời điểm đó, bạn sẽ chọn phương án thứ hai", bà giải thích.

Quốc hội Ukraine, Verkhovna Rada, đã thảo luận về cách thu hút thêm tân binh. Theo luật, những người đào ngũ phải đối mặt với án tù từ 12 đến 15 năm. Mùa hè năm ngoái, các nghị sĩ đã thông qua luật bãi bỏ hình phạt hình sự đối với những binh sĩ đào ngũ lần đầu tự nguyện quay trở lại đơn vị cũ của họ.

Một dự luật cũng đã được thông qua, cho phép binh sĩ chuyển sang các đơn vị khác, giải quyết các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các cấp dưới và cấp trên.

Reshetylova cho biết việc chuyển đơn vị không được lòng các chỉ huy, những người chặn các yêu cầu này vì họ thiếu binh lính. Chính phủ đang làm việc để tìm giải pháp, cho phép nộp đơn thông qua ứng dụng Army+ của Bộ Quốc phòng.

Trong khi đó, các thay đổi đang được soạn thảo để thu hút những người từ 18 đến 25 tuổi, độ tuổi chưa bị gọi nhập ngũ bắt buộc. Những thay đổi này bao gồm đảm bảo hoạt động huấn luyện và các biện pháp để tăng cường đối thoại giữa binh sĩ và chỉ huy.

Andrii Hrebeniuk, trung sĩ của một tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn cơ giới 110, đang chiến đấu tại thị trấn Velyka Novosilka thuộc tỉnh Donetsk, cho biết tình trạng binh sĩ bỏ trốn diễn ra "khá thường xuyên".

"Một số người chọn quay lại. Một số khác thì không. Đó là vấn đề tinh thần nhiều hơn là do chấn thương. Họ cần được trị liệu tâm lý. Họ về thăm gia đình rồi quay lại sau vài tháng".

Khi được hỏi anh có hiểu cho họ không, Hrebeniuk trả lời: "Tôi không thông cảm cũng không lên án".

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine