1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ gồng mình chống "đại hồng thủy" Covid-19, thế giới cấp tập hỗ trợ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hàng loạt các lô thiết bị y tế từ nước ngoài đổ về Ấn Độ, trong bối cảnh nước này đang gồng mình trước cơn "sóng thần" Covid-19 với số ca bệnh và người chết tăng phi mã những ngày qua.

Ấn Độ gồng mình chống đại hồng thủy Covid-19, thế giới cấp tập hỗ trợ - 1

Ấn Độ vẫn đang nỗ lực chống lại đợt bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, nhiều lô thiết bị y tế thiết yếu đã được chuyển tới Ấn Độ vào ngày hôm nay, 27/4, trong bối cảnh các bệnh viện đang cạn kiệt ôxy và "vỡ trận" vì thiếu giường bệnh.

Một lô hàng từ Anh gồm 100 máy thở, 95 máy tạo ôxy đã được đưa tới New Delhi, theo hãng tin ANI. Pháp đã gửi tới Ấn Độ các máy tạo ôxy có khả năng tạo ra dưỡng khí cho 250 bệnh nhân trong một năm. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cố gắng gửi thiết bị y tế tới quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang có kế hoạch chuyển 4.000 máy tạo ôxy tới Ấn Độ, nơi các hoạt động tụ tập đông người dịp lễ hội, tỷ lệ tiêm vắc xin chưa cao và siêu biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm đã "thổi bùng" đợt dịch nghiêm trọng lần này.

"Trong 7 ngày qua, hầu hết chúng tôi không ngủ. Vì thiếu thốn ôxy nên chúng tôi buộc phải cho 2 bệnh nhân dùng cùng 1 đường ống dưỡng khí", ông K. Preetham, nhân viên một cơ sở y tế, cho biết, nhấn mạnh rằng sự thiếu hụt ôxy là mối quan ngại nghiêm trọng hiện nay.

Để nỗ lực chống dịch hiệu quả hơn, Ấn Độ đã điều động lực lượng vũ trang tham gia. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi người dân tiêm chủng để ngăn chặn cơn "đại hồng thủy" dịch bệnh.  

Ấn Độ đang đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2 tồi tệ với 17,6 triệu ca bệnh và số người tử vong sắp chạm mốc 200.000.

Tại một số thành phố ở tâm dịch, thi thể của các nạn nhân Covid-19 xếp hàng dài trên đường chờ hỏa táng, và bị thiêu trong các cơ sở tạm dựng ở công viên, bãi đỗ xe.

Ấn Độ đã buộc phải chuyển khách sạn, toa tàu hỏa thành các cơ sở chăm sóc sức khỏe tích cực để bù vào sự thiếu hụt giường bệnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại cuộc khủng hoảng kế tiếp mà Ấn Độ có thể phải đối mặt sẽ là thiếu nhân viên y tế.

Một số doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Ấn Độ đã tuyên bố sẽ tham gia hỗ trợ sản xuất ôxy y khoa cho nỗ lực chống dịch.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Mỹ cảnh báo kinh tế Ấn Độ, vốn đang xếp thứ 6 thế giới, sẽ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì số ca bệnh bùng nổ, và điều này có thể làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.