1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện dấu vết SARS-CoV-2 trong nước sông ở Ấn Độ

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhà khoa học cảnh báo, dấu vết virus SARS-CoV-2 trong các mẫu nước sông, hồ là một mối đe dọa tiềm tàng.

Phát hiện dấu vết SARS-CoV-2 trong nước sông ở Ấn Độ - 1

Nhiều thi thể bệnh nhân Covid-19 bị thả trôi trên dòng sông linh thiêng của Ấn Độ ở giai đoạn đỉnh dịch (Ảnh: Reuters).

Theo India Today, các nhà khoa học của Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và Đại học Jawaharlal Nehru đã phát hiện dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước từ sông Sabarmati, hồ Kankria và hồ Chandola ở thành phố Ahmedabad, miền tây nước này.

Một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, Giáo sư Manish Kumar, cho biết họ thu thập các mẫu nước này hàng tuần trong khoảng thời gian từ ngày 3/9 đến 29/12/2020. Trong đó, gần 700 mẫu từ sông Sabarmati, 549 mẫu từ hồ Chandola và hơn 400 mẫu từ hồ Kankria.

Giáo sư Kumar cho rằng, dấu vết của SARS-CoV-2 trong nước có thể là một mối nguy tiềm tàng. Các nhà khoa học muốn làm các xét nghiệm tương tự đối với các sông, hồ trên khắp Ấn Độ vì họ tin rằng virus có thể tồn tại trong môi trường nước trong một thời gian dài.

Đầu tuần này, Karnataka trở thành bang đầu tiên ở Ấn Độ đưa ra hệ thống giám sát nước thải ở thành phố Bengaluru để xác định nguy cơ bùng phát các cụm dịch Covid-19.Trước đó, nhiều người lo ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan khi nhiều thi thể bệnh nhân Covid-19 bị thả trôi trên sông Hằng ở bang Uttar Pradesh và Bihar.

Truyền thông địa phương cho biết, hàng trăm thi thể đã bị thả trôi trên dòng sông linh thiêng này một phần do chi phí hỏa táng đắt đỏ, một phần do phong tục của từng nơi. Sông Hằng là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Người theo Ấn Độ giáo xem đây là địa điểm linh thiêng. Họ tin rằng tắm rửa ở sông Hằng sẽ giúp tẩy rửa các tội lỗi của họ và sử dụng nước sông Hằng cho nhiều nghi lễ tôn giáo.

Ấn Độ là tâm dịch lớn thứ hai thế giới với gần 30 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 385.000 ca tử vong. Sự xuất hiện của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã kéo theo làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở quốc gia này. Ở giai đoạn đỉnh dịch vào tháng trước, Ấn Độ ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới và hơn 4.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày.

Mặc dù Ấn Độ đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm và tử vong đã giảm đáng kể, nhưng các chuyên gia cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba vào tháng 10 năm nay. Các chuyên gia cho rằng, làn sóng này có thể sẽ không nghiêm trọng bằng làn sóng thứ hai do Ấn Độ sẽ có khả năng kiểm soát dịch tốt hơn và do chính phủ đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, chính phủ và người dân Ấn Độ không nên chủ quan và vội vã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, bởi Covid-19 sẽ vẫn còn là mối đe dọa y tế đối với quốc gia Nam Á này ít nhất đến năm 2022. Ông Robert Gallo, Giám đốc Viện Virus học thuộc Đại học Maryland, đồng thời là cố vấn khoa học quốc tế thuộc Global Virus Network, cho rằng Ấn Độ chưa thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.