1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ cấp tốc lập 44 nhà máy sản xuất ôxy chiến đấu "bão" Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Ấn Độ lên kế hoạch thiết lập hơn 40 nhà máy ôxy để giải quyết cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, mà cho tới nay đã khiến 17,6 triệu người mắc bệnh và gần 200.000 người tử vong.

Xe cảnh sát hộ tống xe chở ôxy tại Ấn Độ
Ấn Độ cấp tốc lập 44 nhà máy sản xuất ôxy chiến đấu bão Covid-19 - 1

Các thành viên trong gia đình của bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ chờ để nạp ôxy vào các bình rỗng bên ngoài một cơ sở nạp ôxy. (Ảnh: PTI).

Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal hôm nay 27/4 cho biết 21 nhà máy ôxy sẽ được nhập khẩu từ Pháp để đáp ứng nhu cầu về ôxy y tế ngày càng tăng tại Ấn Độ, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục càn quét nước này.

Theo ông Kejriwal, tổng cộng có 44 nhà máy ôxy sẽ được thiết lập tại thủ đô New Delhi. Trong khi 21 nhà máy sẽ được nhập khẩu từ Pháp, chính quyền thành phố sẽ thiết lập 15 nhà máy.

"Chúng tôi đang nhập khẩu 21 nhà máy ôxy từ Pháp và có thể được đưa vào sử dụng ngay lập tức. Chúng sẽ được lắp đặt tại các bệnh viện khác nhau và điều này sẽ giúp chúng tôi giải quyết tình trạng khủng hoảng ôxy tại các bệnh viện đó", ông Kejriwal cho biết thêm.

Ông Kejriwal cũng cho biết chính quyền New Delhi sẽ nhập khẩu 18 xe bồn ôxy từ Bangkok, Thái Lan để vận chuyển ôxy y tế lỏng tới các bệnh viện trong thành phố.

"Các xe bồn sẽ bắt đầu đến từ ngày mai. Chúng tôi đã đề nghị cho phép sử dụng máy bay của Lực lượng Không quân để thực hiện việc này", ông Kejriwal nói.

Các nước, trong đó có Singapore, đã chuyển các thùng chứa ôxy tới Ấn Độ trong tuần này. Ngoài ra, Mỹ, Đức, Anh và một số nước khác cung cam kết viện trợ y tế, trong đó có ôxy, cho Ấn Độ.

Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ ngày 25/4 cho biết, có tới 551 nhà máy sản xuất ôxy y tế mới sẽ được thiết lập trên khắp Ấn Độ nhằm giải quyết tình trạng thiếu ôxy tại nước này. Thủ tướng Narendra Modi chỉ đạo các nhà máy này phải được đưa vào hoạt động càng sớm càng tốt và đóng vai trò là nguồn cung cấp ôxy chính cho cả nước.

Quyết định trên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình trạng thiếu ôxy phổ biến tại các bệnh viện trên khắp Ấn Độ, dẫn đến cái chết của nhiều bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là ở New Delhi - nơi cứ 4 phút có một người tử vong.

Các bệnh viện quá tải ở New Delhi và các nơi khác buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân sau khi hết nguồn cung ôxy y tế và giường bệnh. Ôxy được mô tả là "quý hơn vàng" trong thời điểm hiện nay ở Ấn Độ, thậm chí xe cảnh sát đã được triển khai để hộ tống các xe chở ôxy tới bệnh viện.

Tính đến nay, Ấn Độ có tổng cộng hơn 197.000 ca tử vong vì Covid-19 và hơn 17,6 triệu ca nhiễm. Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Hầu hết các bệnh viện ở Ấn Độ không có các nhà máy độc lập để cung cấp ôxy trực tiếp cho bệnh nhân, chủ yếu là vì các cơ sở này yêu cầu nguồn điện liên tục, trong khi đây là điều kiện khan hiếm ở nhiều bang. Trong khi đó, quá trình vận chuyển và yêu cầu nghiêm ngặt về xe chứa ôxy cũng như biện pháp an toàn đã đặt ra nhiều thách thức cho nguồn cung ôxy tới các bệnh viện ở Ấn Độ.

Để giải tỏa một phần cuộc khủng hoảng thiếu ôxy, chính phủ Ấn Độ đã điều động các chuyến tàu đặc biệt và máy bay để vận chuyển ôxy đến các nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Ấn Độ thậm chí dùng máy bay quân sự để nhập khẩu ôxy từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Tòa án Tối cao New Delhi ngày 24/4 tuyên bố, bất cứ quan chức nào ở chính quyền cấp trung ương, cấp bang và cấp địa phương cản trở việc phân phối bình ôxy cho các bệnh viện trong thời gian này có thể đối mặt với hình phạt nặng.