DNews

3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Quốc Đạt Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp củng cố và nâng cao quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.

3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều ngày 13/12 đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày, với lịch trình làm việc dày đặc.

Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung nhận định với Dân trí rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam lần này rất thành công. 

Thứ nhất, lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành đón nguyên thủ quốc gia. Điều này thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thứ hai, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhận thức chung và những thỏa thuận rất quan trọng để đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 36 văn bản hợp tác trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là số lượng thỏa thuận nhiều nhất từ trước đến nay, trải rộng trên tất cả lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, đầu tư thương mại, hợp tác giữa hai Đảng, vấn đề địa phương hai bên…

Trong đó, đặc biệt quan trọng là thỏa thuận về kết nối khuôn khổ Hai hành lang, Một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc.

3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm vào chiều 12/12 (Ảnh: Đinh Trọng Hải).

Các thỏa thuận giữa hai nước đã đề cập đến những lĩnh vực rất cụ thể. Các thỏa thuận giúp mối quan hệ giữa hai nước trở nên sâu rộng hơn, thực chất hơn, bền vững hơn. Từ đó, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước càng được củng cố và nâng cao.

Đặc biệt lần này, hai bên đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Điều này đảm bảo lợi ích căn bản của nhân dân Việt Nam, cũng phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển.

"Đây là chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, thỏa thuận đạt được bao trùm rộng lớn trên nhiều lĩnh vực toàn diện", Đại sứ Thơ cho biết.

Theo Đại sứ Thơ, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục bàn bạc để thúc đẩy, đạt được sự kết nối, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, đường sắt… Các bộ, các ngành của hai nước sẽ tiếp tục triển khai các thỏa thuận, để đảm bảo các thỏa thuận được thực thi hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho lợi ích của nhân dân hai nước.

Sáu phương hướng lớn cho tương lai

Trong khoảng 28 giờ thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có nhiều hoạt động giao lưu, tiếp xúc với đại diện mọi tầng lớp của nhân dân Việt Nam.

Sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào trưa 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ đón do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì theo nghi thức cao nhất, với 21 loạt đại bác chào mừng. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã có buổi hội đàm.

Ngày 13/12, Chủ tịch Tập Cận Bình lần lượt viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, sau đó giao lưu với các nhân sỹ hữu nghị cùng thế hệ trẻ hai nước.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cũng ra Tuyên bố chung, trong đó hai bên tái khẳng định ý nghĩa của quan hệ song phương, đồng thời vạch ra hướng phát triển mới cho tương lai.

"Nhằm tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại", tuyên bố chung khẳng định.

3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 2
3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 3
3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 4
3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 5

Một số hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hà Nội (Ảnh: Việt Trung, Nhật Bắc, Đinh Trọng Hải, Phong Sơn).

Tuyên bố chung nêu rõ, hai nước nhất trí thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, cũng như nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…

Từ trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đặt chân đến Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cũng đã khẳng định hợp tác cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên sắp tới của hai nước.

"Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để giúp Việt Nam nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội", ông Hùng Ba nói với báo chí ngày 10/12.

Tuyên bố chung của hai nước cho biết 2 nước trong thời gian tới sẽ tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn gồm: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Đặc biệt, điểm nhấn chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình không thuần túy là những tuyên bố mà còn là những kết quả thực chất. Các cơ quan của 2 nước nhân dịp này đã ký kết 36 văn kiện hợp tác.

Nói với China News, Giáo sư Phan Kim Nga của Học viện Chủ nghĩa Marx thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, việc cải thiện quan hệ là bước phát triển tự nhiên.

"Điều này xuất phát từ mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và quy luật lịch sử, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu của thời đại", Giáo sư Phan nói.

Việc Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, cùng với việc Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, cho thấy hai bên rất coi trọng nhau, theo Giáo sư Phan.

Ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định với China News rằng 6 phương hướng trên có nghĩa là hợp tác sẽ có sức mạnh hơn, giúp thúc đẩy hợp tác chiến lược sâu sắc toàn diện hơn, tiến tới giai đoạn phát triển chất lượng cao hơn.

Ông Hứa chỉ ra rằng tính bổ sung cao của nền kinh tế Việt - Trung cho phép hai nước hội nhập và tận dụng hiệu quả các lợi thế so sánh cũng như nguồn tài nguyên sẵn có, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Điều đó cũng đồng thời sẽ thúc đẩy sự phát triển và chuyển đổi của các nước khác trong khu vực, từ đó hình thành mạng lưới công nghiệp khu vực chặt chẽ và hiệu quả hơn, theo ông Hứa.

Nói về kỳ vọng hợp tác sau chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng cả hai bên đều cần nỗ lực, phấn đấu, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm.

"Với nỗ lực của các bộ, các ngành, các địa phương, sự đồng thuận của nhân dân hai nước, hai bên sẽ thực hiện các bước để đưa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh hơn, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới", Đại sứ Thơ nói.

3 điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - 6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem các bản văn kiện ký kết giữa hai bên (Ảnh: Đinh Trọng Hải).

Báo chí Trung Quốc đề cao kết quả chuyến thăm

Cả trước và sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, báo chí Trung Quốc đều dành sự quan tâm cao nhất cho sự kiện này. Các cơ quan này đã đăng nhiều bài viết và phỏng vấn nhiều chuyên gia của cả 2 nước, từ đó nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt - Trung.

Xinhua đăng tải bài xã luận với tiêu đề: "Nâng tầm quan hệ Trung Quốc - Việt Nam phù hợp với xu thế thời đại". Bài xã luận cho rằng việc hai nước nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai chung mở ra một chương mới trong quan hệ song phương và phù hợp với xu hướng của thời đại.

"Trung Quốc và Việt Nam nối liền núi sông, gần gũi về văn hóa, cùng chung lý tưởng và có chung tương lai phía trước. Bất kể tình hình quốc tế có thể thay đổi như thế nào, hai bên cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định, theo đuổi sự phát triển và hợp tác, thúc đẩy thịnh vượng và tiến bộ, bước vào con đường tươi sáng hướng tới xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại", bài xã luận viết.

Trong khi đó, báo People's Daily cũng đăng bài bình luận của Giáo sư Phan Kim Nga. Bài viết cho rằng chuyến thăm này rất có ý nghĩa vì đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

"Chuyến thăm này nhằm vạch ra lộ trình cho quan hệ song phương trong kỷ nguyên mới và chắc chắn sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", bà Phan viết. 

"Khi thế giới trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ, sự phát triển lành mạnh của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và toàn cầu", Giáo sư Phan kết luận.

Chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm của truyền thông quốc tế.

Báo Nikkei Asia của Nhật Bản viết: "Với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đón tiếp cả nguyên thủ của Mỹ và Trung Quốc trong năm nay, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất ở châu Á".